Xử lý nghiêm hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Thứ ba - 23/01/2024 08:50
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Với gần 1,5 ngàn cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22,2 ngàn cơ sở chăn nuôi hộ gia đình, trong đó, tổng đàn heo khoảng 25 triệu con và đàn gà là 26 triệu con, Đồng Nai trở thành “thủ phủ” chăn nuôi lớn của cả nước.
(CTT-Đồng Nai) – Hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm không khí, xả thải nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm nguồn nước đang khiến nhiều gia đình ở gần các cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng đến chất lượng sống.

Một hộ gia đình chăn nuôi heo với số lượng lớn ở xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân
Một hộ gia đình chăn nuôi heo với số lượng lớn ở xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân​

Chất lượng sống giảm sút vì ô nhiễm

Năm 2023, Sở TN-MT và các cơ quan liên quan đã tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 10 ngàn cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

Tình trạng nhiều cơ sở chăn nuôi tự phát, chưa được cấp thủ tục về bảo vệ môi trường, không thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng xả thải chất thải chăn nuôi một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.

Nhiều người dân cho rằng, hiện nay Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ các hành vi xả thải cũng như mức độ chế tài những cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường nên cần xử lý mạnh tay đối với những cơ sở chăn nuôi không thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Quang (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay trên địa bàn phường Long Bình vẫn có một vài hộ chăn nuôi heo, dù quy mô không lớn nhưng vẫn ít nhiều gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, TP. Biên Hòa đã có quy định cấm chăn nuôi trong thành phố và nhiều trang trại chăn nuôi đã phải di dời.

Buộc di dời, ngừng hoạt động các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Những năm qua, Đồng Nai phát triển đa ngành nghề và sự phát triển của ngành chăn nuôi đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều nỗ lực, tỉnh đã khống chế khá tốt tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động công nghiệp nên không thể để cho tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, xả thải tràn lan ra môi trường.

Tuy nhiên, mật độ các cơ sở chăn nuôi nhiều, quy mô, số lượng vật nuôi lớn gây ra tình trạng ô nhiễm mặc dù đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Hoạt động chăn nuôi của các doanh nghiệp và hộ dân góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương, nhưng để các cơ sở chăn nuôi không làm phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường thì các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về việc này, Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho biết, hiện ngành đã hoàn thành đợt tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền tỉnh quản lý, các huyện phải hoàn thiện báo cáo để Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi một cách hiệu quả.

Cũng theo ông Trần Trọng Toàn, để từng bước khắc phục các tồn tại trên, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 296/QĐ-UBND (ngày 24-2-2023) về việc phê duyệt danh sách cơ sở chăn nuôi phải di dời và ngừng hoạt động. Hiện UBND tỉnh giao cho Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện và thành phố thực hiện.

“Chỉ đạo của UBND tỉnh đối với tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi lần này rất quyết liệt, cho thấy quyết tâm bảo vệ môi trường của lãnh đạo tỉnh đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn. Đây được xem là một trong những đợt sắp xếp lại cơ sở chăn nuôi lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay” - ông Trần Trọng Toàn cho biết.

Tác giả: Lam Khuê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây