Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh vận động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, trang bị các thiết bị vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho thanh, thiếu nhi tại hệ thống các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, việc xã hội hóa các sân chơi này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng.

Hồ bơi dành cho thanh thiếu nhi được huy động từ xã hội hóa tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất hiện nay đã xuống cấp, cần được cải tạo, sửa chữa
Hồ bơi dành cho thanh thiếu nhi được huy động từ xã hội hóa tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất hiện nay đã xuống cấp, cần được cải tạo, sửa chữa
Nhiều khó khăn…
Xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất) có 1 Trung tâm VHTT-HTCĐ và 3 NVH ấp. Ngoài tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động, sinh hoạt các CLB…, các thiết chế văn hóa còn là điểm đến sinh hoạt thể thao, giao lưu văn hóa của người dân. Thời gian qua, mặc dù xã Gia Tân 1 đã đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi cá nhân đầu tư tại hệ thống thiết chế văn hóa (xã hội hóa 1 hồ bơi, 3 sân bóng đá mini với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã) song hiện tại, hồ bơi dành cho thanh thiếu nhi đã hư hỏng, cần được cải tạo, sửa chữa.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 1 Nguyễn Hữu Thắng, khó khăn hiện nay của các NVH là thiếu trang thiết bị như bàn ghế, các dụng cụ luyện tập thể thao. Bên cạnh đó, các NVH thiếu dụng cụ sinh hoạt, trò chơi dành cho trẻ em… Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân tham gia các hoạt động phong trào, nhất là xã Gia Tân 1 lại là địa phương đặc thù có đông đồng bào Công giáo sinh sống.
Phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) hiện có 1 Trung tâm VHTT-HTCĐ và 8 NVH ở 7 khu phố được đầu tư xây dựng, nâng cấp phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Anh Nguyễn Văn Thông, công chức văn hóa xã hội P.Long Bình Tân cho biết: “Hoạt động ở hệ thống NVH chủ yếu dùng cho hội họp chứ chưa có diện tích để tổ chức các sinh hoạt thể thao. Mỗi NVH chỉ có diện tích dưới 200m2, trong đó phần lớn dành để sắp xếp bàn ghế và một số thiết bị như loa, đài… do không gian hẹp. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động còn hạn chế nên việc xây dựng và lắp đặt các thiết bị, sân chơi cho trẻ em gặp nhiều khó khăn”.
Thực trạng NVH ấp, khu phố không có sân chơi, thiếu trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của thanh thiếu nhi diễn ra ở hầu hết các NVH trên địa bàn tỉnh. Tại Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Phước Thái (H.Long Thành) mới chỉ lắp đặt được một số dụng cụ luyện tập thể thao đơn giản và 3 dụng cụ trò chơi dành cho trẻ em gồm: vợt cầu lông, bao cát, dây nhảy. Các thiết chế này thu hút trẻ em trên địa bàn đến tham gia đạt 20% thời gian hoạt động.
Không khó để chỉ ra nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên. Trước hết, do các địa phương, nhất là nội ô TP.Biên Hòa không có quỹ đất để xây dựng các thiết chế rộng rãi, các NVH chưa đầu tư khu vui chơi cho trẻ. Thiếu kinh phí tổ chức hoạt động và mua sắm trang thiết bị khiến các thiết chế chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa tương xứng nên nhanh chóng quá tải hoặc lạc hậu. Tại nhiều NVH khu phố không có sự hỗ trợ kinh phí, chủ yếu hoạt động theo phương thức tự quản, tự trang trải từ nguồn xã hội hóa.

Nhà văn hóa dân tộc Mường, ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán được đầu tư, xây dựng các sân chơi, trở thành điểm đến sinh hoạt của thanh thiếu nhi
Nhà văn hóa dân tộc Mường, ấp Tân Lập, xã Phú Túc, H.Định Quán được đầu tư, xây dựng các sân chơi, trở thành điểm đến sinh hoạt của thanh thiếu nhi
Cần sự chung tay của cộng đồng
Bên cạnh một số thiết chế văn hóa chưa được đầu tư, xây dựng công trình vui chơi cho thanh thiếu nhi, tại một số NVH, Trung tâm VHTT-HTCĐ xã trên địa bàn tỉnh đã có những sân chơi dành cho đối tượng này. Tiêu biểu như NVH dân tộc Mường ấp Tân Lập (xã Phú Túc), NVH ấp 7 (xã Phú Ngọc), NVH xã Gia Canh của H.Định Quán; Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom), Trung tâm VHTT-HTCĐ P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa)… Phần lớn các công trình dành cho thanh thiếu nhi sinh hoạt được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.
Trưởng Phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Lê Khắc Toàn cho biết, việc trang bị cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa thời gian qua đã được huyện quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, do một số thiết chế không gian hẹp nên chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị, nhất là các dụng cụ, thiết bị cho thanh thiếu nhi sinh hoạt. Dù vậy, trong năm 2022, tại các NVH trên địa bàn huyện đã tổ chức hơn 260 hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; hơn 500 hoạt động cho các em thiếu nhi, thu hút khoảng 30% dân số của huyện tham gia.
“Một số thiết chế xây dựng trong khu trung tâm, đông dân cư như: Lộc An, Phước Bình, Bàu Cạn đã thu hút đông người dân đến sinh hoạt. Hàng năm, mỗi NVH ấp, khu phố tổ chức từ 5-6 hoạt động cho các em thiếu nhi. Hiện nay, huyện đang tiếp tục rà soát hệ thống thiết chế, tổng hợp và tham mưu cho UBND huyện tiếp tục bố trí nguồn vốn để xây dựng, hoàn thiện các hạng mục còn thiếu, hư hỏng. Tăng cường thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích tư nhân đầu tư các công trình như: sân bóng đá, hồ bơi… Qua đó, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu nhi” - ông Toàn nói.