Xã hội hóa phục vụ bạn đọc thiếu nhi

Thứ tư - 16/11/2022 09:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Ngoài hệ thống thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều không gian đọc sách dành riêng cho thiếu nhi. Trong đó phải kể đến phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Đồng Nai với hơn 60 ngàn cuốn sách; hệ thống thư viện 11 huyện, thành phố, hàng chục thư viện tư nhân, hàng ngàn tủ sách gia đình, dòng họ…
Tại các thư viện đã và đang đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, sẵn sàng phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đây là những không gian đặc sắc và sáng tạo được duy trì để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong các em nhỏ.

Học sinh đọc sách tại Tủ sách mầm xanh ở P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh
Học sinh đọc sách tại Tủ sách mầm xanh ở P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh

Đẩy mạnh xã hội hóa

Cũng là một “điểm hẹn” thân quen, vào các ngày trong tuần tại Tủ sách mầm xanh dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) có khá đông học sinh và người dân đến đọc sách và vui chơi miễn phí. Tủ sách do Phòng Dân tộc TP.Long Khánh phối hợp với Khoa Truyền thông Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 6-2019. Ngoài tủ sách với nhiều thể loại như: sách văn học thiếu nhi, truyện tranh trọn bộ, sách giáo khoa, sách tri thức học đường..., điểm đọc này còn có các bàn bi lắc (hay còn gọi là bàn banh tong) giúp các em thư giãn sau những giờ đọc sách.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cá nhân, tác giả đã tự in sách, kêu gọi bạn bè chung tay nhằm có thêm nhiều đầu sách trao tặng học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi. Trong đó phải kể đến nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà văn Thu Trân, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thuế kế toán Luật Việt Á)... Chưa biết có bao nhiêu em học sinh, bao nhiêu người dân đọc những cuốn sách được tặng, song công việc thầm lặng của họ đã góp phần truyền cảm hứng văn hóa đọc đến với cộng đồng.

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, việc duy trì và tổ chức những mô hình đọc sách hiện đại, thân thiện, độc đáo trước hết để thu hút các em thiếu nhi tham gia trải nghiệm, tiếp cận sách, từ đó giúp các em dần yêu thích và gắn bó với sách. Cùng với thư viện, vài năm trở lại đây đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, cùng chung tay với hệ thống thư viện tỉnh, thư viện cơ sở, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung hàng ngàn đầu sách mới, xây dựng không gian văn hóa đọc, kết nối tình yêu cho trẻ em ở Đồng Nai.

“Hiện tại, chúng tôi đang kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp góp sách, ủng hộ xây dựng các tủ sách phục vụ trước hết cho đối tượng thanh thiếu nhi. Chúng tôi cũng đẩy mạnh luân chuyển sách về cơ sở, giúp các em tiếp cận với các đầu sách hay, sách mới…” - ông Thành nói.

Giám đốc khối chiến lược và kế hoạch Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam Yang Hyung Mo (phải) tặng sách Thư viện Đồng Nai
Giám đốc khối chiến lược và kế hoạch Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam Yang Hyung Mo (phải) tặng sách Thư viện Đồng Nai

Vẫn còn nhiều khó khăn…

Bên cạnh không gian đọc sách sáng tạo, ở nhiều địa phương trong tỉnh, môi trường đọc cho thiếu nhi còn thiếu; tỷ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn ​mang tính phong trào. Nguyên nhân chủ yếu là do thư viện chưa được đầu tư đúng mức để khai thác hiệu quả hoạt động phục vụ thiếu nhi. Thư viện ở cơ sở và thư viện trong trường học chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ và yêu cầu thực tiễn nói chung.

Để tiếp tục hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, theo Phó Giám đốc NXB Đồng Nai Trương Văn Tuấn, cần tăng cường công tác tuyên truyền; nhân rộng những mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình gia đình đọc sách - gắn kết yêu thương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị hiện đại, có nguồn dữ liệu bản quyền đa dạng, hấp dẫn thanh thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Tác giả: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây