Chiến tranh đã lùi xa hơn 43 năm, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn còn “đè nặng” lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có những nạn nhân tại Đồng Nai, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước. Tuy nhiên, với nghị lực và sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Không đầu hàng số phận
Theo chân cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TX. Long Khánh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Cao Lộc (46 tuổi, ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, TX.Long Khánh). Anh Lộc là một trong các điển hình nạn nhân vượt khó vươn lên vừa được UBND tỉnh biểu dương trong chương trình kỷ niệm 57 năm Ngày thảm họa da cam/dioxin và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8).
Anh Nguyễn Cao Lộc chia sẻ, bố anh là liệt sĩ hy sinh năm 1972, còn mẹ là bà Hoàng Kim Nơi, 77 tuổi, từng là chiến sĩ giao liên trên chiến trường miền Đông Nam bộ từ năm 1961 cho đến khi giải phóng. Mẹ anh bị phơi nhiễm chất độc da cam, khắp người bà chi chít những mụn thịt mọc ra khiến hình dạng không còn bình thường. Những di chứng đó sau này đã di truyền sang anh Lộc khi anh vừa bước sang tuổi 20. Theo thời gian, những mụn thịt này ngày càng mọc nhiều, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng như mắt mờ, thường xuyên khó thở, nhức mỏi…
Vượt lên những nỗi đau đeo đẳng bản thân, anh Lộc luôn tâm niệm phải nỗ lực vượt lên số phận để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Năm 1997, anh tham gia lực lượng dân quân thường trực tại xã Xuân Tân. Để có được công việc ổn định nuôi sống bản thân, năm 2007, anh xin vào làm bảo vệ tại Trường tiểu học Trưng Vương (xã Xuân Tân) cho đến nay. Ngoài ra, hai vợ chồng anh Lộc còn được nhà trường tạo điều kiện cho mở căn tin trong trường để buôn bán, kiếm thêm thu nhập… Nhờ các khoản thu nhập trên đã giúp vợ chồng anh cải thiện kinh tế gia đình và nuôi con gái chăm ngoan, học giỏi.
Anh Nguyễn Cao Lộc cùng người mẹ già.
Dù bản thân bị khiếm khuyết nhưng anh Lộc luôn giữ tinh thần lạc quan, hòa đồng cùng mọi người. Thầy Cao Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương nhận xét: “Trong những năm làm việc tại trường, anh Lộc đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều đáng quý nữa, anh Lộc luôn sống hòa đồng, cởi mở với công nhân viên, thầy cô giáo và học sinh trong trường. Đặc biệt là sẵn sàng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn…”.
Với nỗ lực không ngừng, tinh thần lao động nghiêm túc, trách nhiệm, nhiều năm liền anh Lộc được UBND xã tặng giấy khen, UBND TX. Long Khánh tuyên dương Lao động tiên tiến và được cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường tin tưởng, quý mến.
Khi mới sinh ra, chị Lương Thị Hồng Yến (30 tuổi, ấp Cẩm Tân, xã Xuân Tân, TX. Long Khánh) đã bị vẹo cột sống và teo cơ chân (dị tật do nhiễm chất độc da cam/ dioxin). Cuộc sống của chị là những chuỗi ngày gắn bó với bệnh viện cùng cơn đau thường xuyên giày vò thân hình gầy gò, nhỏ bé. Do bị vẹo cột sống, phổi bị chèn ép nên chị hay mắc các chứng bệnh như viêm phổi, viêm họng, đau nhức xương khớp cả ngày lẫn đêm.
May mắn đến với chị vào năm 2016, thông qua mạng xã hội, chị được một bác sĩ tận tình hướng dẫn và vận động nguồn tài trợ ca phẫu thuật cột sống với tổng kinh phí hơn 260 triệu đồng. Sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe của Yến tốt hơn, ít bị bệnh hơn trước. Từ đây chị sống tích cực hơn và phát huy được sở thích vẽ tranh của mình. Dù không được học hành bài bản, nhưng với quyết tâm và nghị lực phi thường, chị đã tự mình mày mò học vẽ trên mạng internet trong 4 năm ròng rã và cuối cùng cũng thành công. Hơn một năm qua, Yến đã cho ra đời những tác phẩm tranh vẽ hết sức sắc sảo và đẹp mắt, khó phân biệt với các bức ảnh được chụp bằng các thiết bị công nghệ số.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người biết đến tài vẽ tranh của chị Yến nên đã chụp hình chân dung rồi gửi đến để chị vẽ lại. Nghề vẽ ảnh không chỉ đem lại niềm vui mà còn giúp chị kiếm thêm thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng/bức. Ước mơ của Yến là mở được một phòng tranh nhỏ để thỏa sức sáng tạo và truyền cảm hứng vẽ tranh cho những em nhỏ có cùng sở thích, vừa có nguồn thu nhập để tự lo cho bản thân và phụ giúp ba mẹ. Nói về bước ngoặt trong cuộc đời, chị bộc bạch: “Trước đây, mình từng sống trong mặc cảm, bi quan… Nhưng rồi, mình nhận ra sống như vậy thật là hoài phí. Nhờ được người thân trong gia đình thường xuyên động viên, an ủi, mình suy nghĩ lạc quan hơn và tìm được đam mê để theo đuổi, để cuộc sống ý nghĩa hơn”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Chứng kiến cảnh bà Hồ Thị Tuyền (ngụ ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh) ân cần chăm sóc hai đứa cháu ngoại bị dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam, ai cũng xúc động và cảm phục ý chí, nghị lực của người phụ nữ 67 tuổi này. Gia đình bà Tuyền rời quê miền Trung vào Đồng Nai sinh sống được gần 30 năm. Vợ chồng bà có 7 người con, trong đó có 4 người đã mất từ khi còn nhỏ. Biến cố xảy ra với gia đình bà kể từ năm 1998 khi người con gái út sinh ra hai con trai là Nguyễn Quang Trường và Nguyễn Quốc Thanh đều bị tật nguyền. Cả hai đều bị mù, chân tay co rút, câm, điếc bẩm sinh, thần kinh phân liệt, không làm chủ được bản thân. Trước cảnh hai con bị tật nguyền nên người cha đã bỏ đi, còn người mẹ (con gái bà Tuyền) cũng về TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm để vơi đi nỗi buồn, vừa kiếm tiền gửi về nuôi các con.
Thương con, thương cháu, bà Tuyền nghỉ buôn bán ở nhà làm nội trợ và chăm sóc hai cháu suốt 20 năm nay. Do cả hai cháu không tự sinh hoạt, ăn uống và đi lại được nên một tay bà phải chăm sóc, từ bón cho ăn uống đến tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Điều không may lại tiếp tục xảy đến khi tháng 10-2017, chồng bà Tuyền bị tai biến phải nằm liệt một chỗ và không nói được. Gánh nặng lại đổ dồn lên vai bà, trong khi tuổi bà càng ngày càng cao.
Trường hợp của bà Tuyền là một trong số các điển hình vẫn ngày đêm hỗ trợ, chăm sóc các nạn nhân da cam trên địa bàn TX. Long Khánh. Để cuộc sống của các nạn nhân da cam được cải thiện, hòa nhập với cuộc sống rất cần sự chung tay của cộng đồng. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin TX. Long Khánh Trần Tấn Một cho biết, hiện số nạn nhân chất độc da cam/ dioxin trên địa bàn thị xã là 229 người; trong đó, 150 cán bộ kháng chiến, 36 con cán bộ kháng chiến và 43 dân thường. “Trong những năm qua, chúng tôi đã gửi thư kêu gọi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường học, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên địa bàn thị xã hưởng ứng ủng hộ kinh phí, vật chất và tinh thần nhằm góp phần hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Tổng giá trị vận động hằng năm của các cấp Hội là hàng trăm triệu đồng”, ông Trần Tấn Một nói.
Cũng theo ông Một, thời gian qua, Thị hội luôn chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thông qua các hoạt động như: tặng quà nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam; trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho các học sinh là nạn nhân, người thân của nạn nhân chất độc da cam; tặng quà trong dịp Tết Nguyên đán cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sửa chữa, xây nhà cho nạn nhân gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ thường xuyên cho 7 nạn nhân có hoàn cảnh quá khó khăn; tổ chức thăm hỏi, động viên nạn nhân đang nằm viện và phúng điếu khi họ qua đời...
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập