Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc

Thứ hai - 13/08/2018 00:44
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đối thoại tại nơi làm việc trong doanh nghiệp là một trong những nội dung được quy định rõ tại Bộ luật Lao động và được cụ thể hóa trong Nghị định 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh đối thoại tại nơi làm việc luôn được Công đoàn các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.​

Đẩy mạnh đối thoại tại doanh nghiệp

Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, thời gian qua, Công đoàn KCN Biên Hòa đã đẩy mạnh hướng dẫn các CĐCS phối hợp với thủ trưởng cơ quan, người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở. Từ đầu năm đến nay, tuy số lượng doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) trên địa bàn vẫn chưa đạt như mong muốn (khoảng 20%), song điều đáng phấn khởi là đã có tới 297/382 đơn vị đã tổ chức đối thoại định kỳ, đạt 77,8%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tân Dương (có 400 lao động, trụ sở tại KCN Tam Phước) Trần Thị Bích Lài cho biết, công ty luôn duy trì đều đặn việc tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu. Cũng nhờ đó, quan hệ lao động tại công ty ngày càng ổn định, hài hòa. Từ chỗ từng xảy ra tranh chấp lao động vào những năm đầu mới thành lập, đến nay, mọi tâm tư nguyện vọng, bức xúc của NLĐ được kịp thời giải quyết thỏa đáng; công ty ngày càng có thêm nhiều chế độ nhằm chăm lo tốt hơn cho NLĐ. Trong đó, điển hình là nỗ lực trong việc cải thiện môi trường làm việc, cải thiện bữa ăn giữa ca, tiền lương, tiền thưởng, hỗ trợ 100% chi phí đưa đón công nhân lao động về quê ăn Tết…, NLĐ ngày càng gắn bó, chung sức đưa công ty phát triển ổn định.


Cán bộ CĐCS thuộc Công đoàn KCN Biên Hòa tham gia tập huấn về kỹ năng đối thoại, thương lượng do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Ban điều phối dự án NIRF Nhật Bản tổ chức.

Thực tế tại nhiều doanh nghiệp, hoạt động đối thoại tại nơi làm việc giữa đại diện người sử dụng lao động và NLĐ được tiến hành thường xuyên. Việc đối thoại không chỉ diễn ra định kỳ mỗi quý một lần mà thường xuyên hàng tháng hoặc có khi đối thoại mỗi tuần khi có yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp dù chưa tổ chức hội nghị NLĐ song vẫn làm tốt việc tổ chức đối thoại định kỳ.

Thúc đẩy đối thoại nhóm doanh nghiệp

Đó là mục tiêu của dự án Khung khổ quan hệ lao động mới (NIRF)/Nhật Bản được thực hiện thí điểm tại nhóm doanh nghiệp ngành gỗ thuộc Công đoàn KCN Biên Hòa cùng nhiều nhóm doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Mới đây, LĐLĐ tỉnh phối hợp Ban điều phối dự án này tập huấn kỹ năng thương lượng, đối thoại cho hơn 25 cán bộ CĐCS đến từ 8 doanh nghiệp trong nhóm ngành gỗ thuộc Công đoàn KCN Biên Hòa. Tại buổi tập huấn, các cán bộ CĐCS đã được cập nhật những kiến thức, kỹ năng liên quan đến hoạt động đối thoại tại doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch đối thoại nhóm doanh nghiệp.

Bà Tạ Thị Bích Liên, điều phối viên quốc gia của dự án cho biết, bên cạnh việc thúc đẩy đối thoại tại các doanh nghiệp, thúc đẩy đối thoại nhóm doanh nghiệp trong cùng ngành nghề với nhau sẽ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong việc đưa ra mức sàn về điều kiện làm việc, tiền lương và các chính sách tốt hơn cho NLĐ, trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của chủ doanh nghiệp và NLĐ, giữa lợi ích các bên. Từ đó, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ. Bên cạnh đó, cũng sẽ góp phần cung cấp thêm những gợi ý cho việc sửa đổi pháp luật lao động liên quan đến nội dung đối thoại, thương lượng, giải quyết các vấn đề tranh chấp… Đồng thời, góp phần tăng cường và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn.

Cũng theo bà Tạ Thị Bích Liên, qua khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ CĐCS đều bày tỏ tâm huyết với hoạt động Công đoàn. Dù vậy, do phải kiêm nhiệm nên nhiều cán bộ Công đoàn vẫn chưa có điều kiện để thật sự hiểu hết về quyền, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn cũng như kỹ năng hoạt động. Vì thế, ở nhiều nơi, cán bộ Công đoàn chưa phát huy được vai trò của mình tại cơ sở, dẫn đến hiệu quả hoạt động Công đoàn nói chung và hiệu quả của hoạt động đối thoại, thương lượng nói riêng chưa được rõ nét. Vì vậy, việc quan tâm đẩy mạnh tập huấn các kỹ năng cho cán bộ CĐCS là điều vô cùng quan trọng.

Anh Lương Văn Hùng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Cariyan Wooden (KCN Tam Phước) cho biết, nhiều năm qua, CĐCS công ty vẫn chưa thật sự phát huy tốt được vai trò của mình, đặc biệt trong hoạt động đối thoại tại doanh nghiệp. Từ trước đến nay, tại doanh nghiệp chưa từng tổ chức buổi đối thoại nào giữa đại diện người sử dụng lao động và NLĐ. “Thông qua việc tham gia những buổi tập huấn, tôi đã được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến hoạt động Công đoàn, nhất là kỹ năng thương lượng và đối thoại. Về CĐCS, tôi quyết tâm sẽ đẩy mạnh hoạt động đối thoại tại công ty, nâng cao uy tín, vai trò của tổ chức CĐCS đối với NLĐ và chủ doanh nghiệp. Từ đó, mang thêm nhiều lợi ích thiết thực hơn cho NLĐ, đóng góp tích cực vào sự phát triển công ty”, anh Hùng khẳng định.

Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho hay, đơn vị đang và sẽ tích cực phối hợp với các ban của LĐLĐ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở LĐ-TBXH… đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ CĐCS, cán bộ doanh nghiệp trực thuộc về công tác đối thoại.

Góp phần đảm bảo chức năng đại diện của Công đoàn

Dự án Khung khổ quan hệ lao động Mới (NIRF) là chương trình hoạt động tiếp theo của Dự án quan hệ lao động do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai nhằm hỗ trợ các đối tác của Việt Nam xây dựng nền tảng pháp luật và thể chế hiệu quả cho khung khổ quan hệ lao động mới tại Việt Nam dựa trên Tuyên bố 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Trong đó, dự án NIRF/Nhật Bản tập trung hỗ trợ cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam nhằm đảm bảo các chức năng đại diện của Công đoàn và người sử dụng lao động được tăng cường trong khung khổ quan hệ lao động mới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và các bài học rút ra từ thực tiễn.

Thảo Lâm

Tác giả: Hồ Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây