Ước mơ của Hoàng Anh

Thứ tư - 14/12/2022 09:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Mẹ mất sớm, vì hoàn cảnh riêng của gia đình mà Hoàng Anh được gửi vào chùa ở gần 4 năm. Dù chùa chỉ cách nhà khoảng 30km nhưng trong từng ấy năm, cậu bé không được về thăm nhà, thăm cha và em. Nhớ em gái, Hoàng Anh cũng đành chịu. Dù gặp nhiều khó khăn, Hoàng Anh vẫn nỗ lực học tập tốt. Năm lớp 9, em được về nhà sinh sống cùng cha và em gái. Hằng ngày, ngoài giờ học, Hoàng Anh còn đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Hoàng Anh là 1 trong số 50 học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai của Báo Đồng Nai.

Em Nguyễn Huy Hoàng Anh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Trịnh Hoài Đức (xã An Viễn, H.Trảng Bom) trong giờ học
Em Nguyễn Huy Hoàng Anh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Trịnh Hoài Đức (xã An Viễn, H.Trảng Bom) trong giờ học

Cậu học trò nhỏ có nhiều thiệt thòi

Làm giáo viên 18 năm nhưng với cô Thái Thị Hoa Mai (Trường THCS Trịnh Hoài Đức, xã An Viễn, H.Trảng Bom), cậu học trò Nguyễn Huy Hoàng Anh là trường hợp đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng và cả niềm cảm thương.

Năm 2017 khi Hoàng Anh mới học lớp 5 và cô em gái chưa vào lớp 1 thì mẹ của em tự tử và qua đời. Cái chết của mẹ để lại cho em nhiều nỗi đau và cả tổn thương về tâm lý khó có thể bù đắp được. Những tưởng sau khi mẹ mất, Hoàng Anh và em gái sẽ được cha bù đắp sự thiếu thốn tình cảm nhiều hơn nhưng chỉ sau đó ít lâu Hoàng Anh phải tạm rời xa 2 người thân của mình.

Do lo người cha có xu hướng bạo lực nên một số người thân trong gia đình đã tìm cách gửi Hoàng Anh vào ở trong một ngôi chùa trên địa bàn xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Cậu học trò nhỏ này bắt đầu học tại Trường THCS Sông Nhạn từ năm lớp 6 đến năm lớp 8. Suốt thời gian đó, Hoàng Anh không được về nhà để thăm em gái.

Ngoài giờ học ở trường, trong chùa, Hoàng Anh còn theo sư phụ học thêm những giáo lý cơ bản của Phật giáo. Từ những câu kinh, tiếng kệ, tâm hồn em dần được xoa dịu, quên đi nỗi đau mất mát và lấy lại thăng bằng, chú tâm vào học tập.

“Trong chùa cũng có nhiều bạn cùng lứa tuổi với em được gửi ở đây để đi học. Ở đây, em được dạy nhiều điều hay lẽ phải, giúp em hiểu được nhiều đạo lý tốt đẹp của cuộc đời.” - Hoàng Anh trải lòng.

Tự tìm việc làm thêm để phụ giúp gia đình

Đến đầu năm học lớp 9, Hoàng Anh mới được người thân đón về và trao lại cho cha em nuôi nấng. Kể từ ngày về ở với cha, Hoàng Anh thay cha chăm sóc, đưa đón cô em gái đang học lớp 4 của mình.

“Vì xa em gái tận mấy năm mà lúc đó bé còn nhỏ quá nên khi mới về nhà, em phải mất một thời gian dài mới làm quen được với bé. Dần dần bé mới chịu gần gũi với em” - Hoàng Anh kể.

Để giảm gánh nặng cho cha, sau khi ổn định việc học, Hoàng Anh đã tự đi tìm việc làm thêm. Hiện nay, em được nhận vào phụ việc tại một cửa hàng bán giày dép với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, Hoàng Anh đi học buổi sáng, trưa về lo cơm nước cho em gái, đưa em đi học. Đến 16 giờ, em bắt đầu đi làm thêm, 21 giờ 30 thì tan làm trở về nhà nghỉ ngơi. Sáng sớm, em thức dậy từ 5 giờ để học bài.

Cô Mai Hoa kể: “Ban đầu, tôi cũng không biết em đi làm thêm. Hôm đó, thấy em đạp xe đi nhanh quá nên tôi mới chạy theo hỏi thăm. Khi biết em đi làm, tôi có đến chỗ làm để xem công việc của em thế nào, có bị người ta lừa gạt gì không. Hoàng Anh ở trong chùa mới về nên nhiều điều còn bỡ ngỡ, chưa hòa nhập được với các bạn. Em chưa bao giờ sử dụng điện thoại thông minh, không lên mạng internet nên khó tìm được câu chuyện chung để nói với các bạn. Tuy vậy, Hoàng Anh là cậu học trò khá thông minh, hăng hái phát biểu xây dựng bài”.

Hoàng Anh cho biết, sau khi nhận tiền thù lao, em đưa cho cha một ít để trang trải sinh hoạt phí gia đình; phần còn lại em mua sắm dụng cụ học tập và tiêu dùng cá nhân.

Cô Mai Hoa lo lắng, nếu Hoàng Anh phải đi làm thêm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình nên cậu học trò nhỏ này vẫn phải tiếp tục làm việc.

Nói về tương lai, Hoàng Anh chia sẻ, em ước mơ trở thành lập trình viên máy tính vì bản thân rất thích học công nghệ thông tin. Hoàng Anh còn cách ước mơ này rất xa, bởi hiện tại em chưa có máy tính để tự học thêm trong khi Trường THCS Trịnh Hoài Đức không dạy môn Tin học ở lớp 9. Bản thân Hoàng Anh cũng không biết liệu em có đủ điều kiện để tiếp tục theo học bậc THPT và xa hơn là theo học nghề lập trình máy tính hay không.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây