Ngày càng nhiều học sinh lựa chọn học trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Không chỉ những học sinh “rớt” THPT mới “chạy” vào trường nghề, nhiều học sinh chủ động chọn học nghề như một hướng đi giúp các em tiết kiệm chi phí, thời gian…
Nhiều học sinh không chịu nổi áp lực vừa học văn hóa vừa học nghề nên đã bỏ học giữa chừng (Trong ảnh: Học sinh Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai trong giờ học môn văn hóa)
Liên tục “thắng lớn” trong tuyển sinh
Hiện nay, các trường có đào tạo trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh tuyển sinh được khoảng 12 ngàn học sinh sau phân luồng THCS, gấp 3 lần so với năm 2014 (hơn 4 ngàn học sinh).
Trước đây, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, những người có nhu cầu học trung cấp nghề luôn trong tư thế thong thả đi nộp hồ sơ, vì nộp chắc chắn sẽ đậu. Ba năm trở lại đây, họ bắt đầu phải chạy đua để tìm suất vào trường nghề vì chỉ tiêu có hạn mà nhu cầu lại lớn nên nếu chậm chân là mất cơ hội. Đặc biệt, đối với các nghề thuộc khối kỹ thuật và nghề trọng điểm thì các trường còn xét điểm môn Toán, Lý, nếu đạt thì mới được nhận hồ sơ.
Năm học 2020-2021, Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình Xuân Lộc (H.Trảng Bom) tuyển sinh được 1.360 học sinh hệ trung cấp, trong đó có 1.100 em học nghề sau phân luồng THCS. Dù nhu cầu của học sinh còn nhưng trường không thể tuyển sinh thêm vì đã đủ chỉ tiêu được giao.
Tương tự, các trường cao đẳng khác như: Cơ giới và Thủy lợi (H.Trảng Bom), Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa), Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành)… đều tuyển sinh được trên 1.000 chỉ tiêu và kết thúc tuyển sinh sớm. Các nghề trọng điểm đều nâng cao điểm xét tuyển đầu vào so với trước đây.
Ths. Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Năm nay, trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 100%. Điều này cho thấy xu hướng chọn học nghề của học sinh, sinh viên cũng như của phụ huynh học sinh hiện nay đã rất khác trước. Đối với các nghề trọng điểm, nhà trường sẽ đặt ra tiêu chuẩn điểm đầu vào cao hơn những ngành nghề khác, không giống như trước đây, em nào vào cũng được”.
Học sinh Khoa công nghệ may Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai
trong giờ học thực hành
Tăng cường thực hành
Tăng cường thời gian thực hành là yêu cầu được các trường nghề thực hiện. Bởi chỉ có thông qua hoạt động này, học sinh mới nắm vững kỹ năng nghề nghiệp. Theo đó, thời gian thực hành chiếm từ 55 đến 75% tổng thời gian đào tạo. Ngoài thực tập tại trường, học sinh còn được kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp để cọ sát với môi trường làm việc thực tế.
Không thuộc khối kỹ thuật nhưng Khoa Công nghệ may, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, là một trong những khoa đạt chỉ tiêu tuyển sinh cao. Trung bình, mỗi năm khoa này tuyển sinh được 120 chỉ tiêu hệ trung cấp, đa phần là nữ sinh. Đây cũng là khoa duy trì ổn định sĩ số học sinh đầu vào và đầu ra.
Để học sinh vững nghề, khoa tăng cường tối đa thời gian thực hành cho các em bằng cách để cho chính các em thiết kế bản vẽ, cắt, may toàn bộ áo đồng phục cho học sinh toàn trường. Theo đó, thay vì đặt may các xí nghiệp bên ngoài, nhà trường mua vải về cà giao toàn bộ quy trình sản xuất áo đồng phục cho học sinh khoa Công nghệ may thực hiện. Lớp học thực hành cũng được sắp xếp, mô phỏng như ở xưởng may của các công ty. Những học sinh khá được giao công việc kiểm hàng, chuyền trưởng…
“Ngoài thực hành tại trường, hàng năm, chúng tôi còn liên kết cho các em đi thực tập tại doanh nghiệp để các em làm quen với công nghệ, dây chuyền sản xuất mới. Da phần doanh nghiệp đánh giá học sinh của chúng tôi đạt mức độ khá so với mặt bằng chung. Nhờ đó, các em có việc làm ổn định khi ra trường. Một số em có nhu cầu học lên thì trường có lớp liên thông cao đẳng để đào tạo thêm cho các em”, Ths. Đàm Văn Chí, Trưởng khoa Công nghệ may chia sẻ.
Còn tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai, ngoài chương trình đào tạo theo quy định, 3 năm nay, trường còn dạy thực hành 5S cho toàn bộ học sinh, sinh viên của trường. Theo đó, thông qua Ban quản lý dự án tỉnh, các chuyên gia của Trung tâm trao đổi nguồn lực Thái Bình Dương (PREX - Nhật Bản) đã hỗ trợ nhà trường tập huấn cho giáo viên về thực hành 5S để giáo viên xây dựng chương trình và giảng dạy cho sinh viên, học sinh. Thông qua chương trình 5S, người học sẽ nhận diện được thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn, từ đó có ý thức phòng tránh cũng như hạn chế tai nạn lao động, đồng thời tìm ra giải pháp, cải tiến để lao động, sản xuất an toàn, hiệu quả hơn.
Sau khi đào tạo, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tuyển dụng sinh viên của trường thông qua sự kiện “Giao lưu, kết nối nguồn nhân lực giữa sinh viên và doanh nghiệp Nhật Bản” do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tổ chức. Năm 2018, trường này có 40 sinh viên, học sinh tham gia và tất cả đều được tuyển dụng tại sự kiện nói trên. Trong đó, 65% em có mức lương tháng khởi điểm từ 6-8 triệu đồng, 25% em có mức lương tháng khởi điểm từ 8-10 triệu đồng, chỉ có 10% các em nhận mức lương dưới 6 triệu đồng.
Hoàng Giang