(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để công tác vận chuyển hành khách nói chung, học sinh, sinh viên (HSSV) nói riêng được đảm bảo an toàn.

Đông học sinh đi đến trường học bằng tuyến xe buýt số 1
Đông học sinh đi đến trường học bằng tuyến xe buýt số 1
Cải thiện chất lượng xe, thái độ phục vụ
Năm học mới 2023-2024, nhu cầu lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học của HSSV ngày càng đông. Cụ thể, hàng ngày tại Trạm xe buýt số 1 (đối diện với Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), đông HSSV có mặt từ sáng sớm để đón xe buýt đi đến trường học. Lộ trình của tuyến xe buýt số 1 đi qua nhiều trường học đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Trường THCS Trần Hưng Đạo, Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, Trường THPT Ngô Quyền, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai… Hơn nữa tuyến xe này được trợ giá của Nhà nước, chất lượng tốt nên nhiều phụ huynh quyết định chọn để con em đến trường học cho thuận lợi, an toàn.
Em Nguyễn Thị Phương Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP.Biên Hòa) bộc bạch “Em đã chọn tuyến xe buýt số 1 để đi đến trường học hơn 3 năm nay. Em rất hài lòng khi đi tuyến buýt này vì chất lượng xe tốt, giá rẻ, giúp người đi cảm thấy thoải mái, không phải lo mưa hay nắng. Hơn nữa, việc đi học bằng phương tiện công cộng sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông so với đi xe cá nhân”.
Bà Ngô Ngọc Thùy Anh (phụ trách tuyến xe buýt trợ giá số 1, Công ty TNHH Trí Minh Phát) cho biết, Hiện tuyến xe buýt số 1 hoạt động 80 chuyến/ ngày và chủ yếu chở HSSV tại các trường đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa. Mỗi ngày, tuyến xe buýt số 1 vận chuyển trung bình từ 700 – 1 ngàn lượt hành khách; trong đó, số lượng HSSV chiếm đến khoảng 70%. Hiện công ty đang có nhiều chương trình ưu đãi cho HSSV như chương trình giảm giá vé tháng (giảm được 125 ngàn đồng/ tháng)…
Ngoài tuyến xe buýt số 1, một số tuyến xe buýt có đông HSSV đi đông như: 2, 3, 7, 8. Tất cả các tuyến xe buýt này đều có trợ giá của Nhà nước, chất lượng tốt, giúp cho chi phí đi lại HSSV được rẻ, vừa an toàn.
Ông Nguyễn Văn Nở (Phụ trách điều hành tuyến xe buýt trợ giá số 2, Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà, TP.Biên Hòa) cho biết, trong năm học 2023-2024, số lượng HSSV chọn đi tuyến xe buýt số 2 (bến xe Biên Hòa - trạm xe Nhơn Trạch) cũng đã đông trở lại. Mỗi ngày, tuyến xe buýt số 2 hoạt động 82 chuyến với hơn 3 ngàn lượt khách; trong đó, số lượng HSSV có khoảng 800 em.
“HSSV là 1 trong những đối tượng được ưu tiên đối với tuyến xe buýt trợ giá số 2. Do đó, chúng tôi thường quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ nhân viên, lái xe; quán triệt lái xe phải chạy đúng giờ, đúng tuyến, đúng tốc độ và dừng đón trả khách đúng vị trí và đảm bảo an toàn cho hành khách; nhắc nhở nhân viên phải niềm nở, tận tình hỗ trợ cho khách, đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn HSSV lên, xuống xe buýt theo trình tự, tránh tình trạng chen lấn xố đẩy gây mất an toàn”- ông Nở chia sẻ.
Tạo sự yên tâm cho hành khách khi đi xe buýt
Theo Sở GT-VT, Sở và Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giúp hoạt động xe buýt ngày càng hiệu quả hơn.
Trong đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu của tỉnh là nâng cao chất lượng hoạt động VTHKCC; đảm bảo mật độ che phủ của mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh để người dân có thể tiếp cận sử dụng thuận lợi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý, điều hành, khai thác; thực hiện các giải pháp kêu gọi, thu hút các đơn vị có năng lực tham gia khai thác các tuyến xe buýt; từng bước nâng cao thị phần VTHKCC, thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng…
Bên cạnh đó, Sở GT-VT giao cho Trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC theo dõi, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng phương án hoạt động các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị cũng như nhu cầu đi lại của người dân; tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở các chủ xe và nhân viên phải chấp hành các quy định trong việc phục vụ hành khách, không để người dân phản ánh về chất lượng phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm giúp người dân tiếp cận xe buýt dễ dàng...