(CTT-Đồng Nai) - Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Nguyễn Quốc Trọng đã không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ. Hiện nay, ngoài điều hành phòng tranh cá nhân và làm công việc sáng tạo tự do, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng còn tham gia giảng dạy tại nhiều trường cao đẳng.

Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng đang giảng bài về hòa sắc cho sinh viên
Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng đang giảng bài về hòa sắc cho sinh viên
Theo anh, ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay đã có nhiều thay đổi, thuận lợi hơn nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi cơ sở đào tạo phải thay đổi, cập nhật giáo trình để phù hợp với thực tế.
Không ngừng tự học, truyền lửa cho thế hệ trẻ
Với công chúng yêu nghệ thuật hội họa, điêu khắc ở Đồng Nai, Nguyễn Quốc Trọng không phải là cái tên xa lạ. Anh là cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa của Trường Cao đẳng Mỹ thuật – trang trí Đồng Nai.
Anh bước chân vào học từ năm 2000 để thỏa đam mê hội họa của bản thân. Khi đó, Thiết kế đồ họa là xu hướng mới của khối ngành mỹ thuật ứng dụng. Do đó, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Để tự học và có nhiều thông tin tham khảo, anh thường xuyên đi thực tế để “săn” các mẫu thiết kế đồ họa tại các hội chợ, triển lãm để học hỏi họ về cách thiết kế, chất liệu… Ngoài ra, anh còn sưu tầm mẫu thiết kế từ sách, báo, tem; thậm chí có khi ăn bánh quà xong cũng giữ lại bao bì để làm tư liệu tham khảo… Tất cả những mẫu mã này được anh cắt, dán lại thành một cuốn album.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng trong giờ dạy học cho sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi
Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng trong giờ dạy học cho sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Nguyễn Quốc Trọng tiếp tục học tập tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn và học nâng cao ThS tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Anh trải qua nhiều năm làm thiết kế cho các công ty lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Hiện nay, anh đang quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết kế mỹ thuật Đức Trí và hoạt động nghệ thuật tự do.
Nhiều thiết kế của anh đoạt giải thưởng như: giải nhì nhà thiết kế giày Việt Nam năm 2005; tham gia giao lưu các nhà thiết kế quốc tế tại Hồng Kông, xác lập nhiều kỷ lục Việt Nam điền hình như: “Chiếc giày thể thao kỷ lục Việt Nam” (2009); Tác phẩm sáng mãi: Triển lãm mỹ thuật khu vực và Xác lập lỷ lục Việt Nam (2014).
Theo anh Trọng, việc học ngành Thiết kế đồ họa hiện nay thuận lợi hơn trước đây rất nhiều. Không chỉ có nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ, sinh viên còn có thể dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng vào công nghệ sẽ có thể làm giảm đi khả năng sáng tạo của người làm nghề thiết kế. Do vậy, trong công tác đào tạo, nhà trường cần chú trọng những kiến thức, kỹ năng cơ bản, tăng cường thực hành, tiếp xúc thực tế cho sinh viên.
Có thể mở showroom giới thiệu, bán sản phẩm của sinh viên
Bản thân anh Trọng hiện cũng tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và một số trường nghề khác. Để giúp sinh viên tiếp thu được kiến thức, phát huy sở trường và đáp ứng thị trường lao động, anh Trọng đã chủ động cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới giáo án, ứng dụng công nghệ, linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành.
Theo anh Trọng, hiện nay các trường nghề đang tuyển sinh và đào tạo hệ 9+. Điều này đã đáp ứng được nhu cầu của người học và mục tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tuy vậy, giáo viên dạy nghề sẽ vất vả hơn, phải theo sát từng người học và có phương pháp phù hợp với học sinh. Điều này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, phù hợp với đòi hỏi của ngành học.
Anh Trọng cũng cho hay, đối với các ngành về mỹ thuật ứng dụng, các trường cần tăng cường cập nhật thực tế, thay đổi giáo trình để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, chương trình giảng dạy cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn để phù hợp với xu thế chuyển đổi số.
Riêng đối với Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Trọng cho nằng, trường này có thế mạnh về đào tạo mỹ thuật ứng dụng nhưng còn hạn chế ở khâu quảng bá sản phẩm. Do đó, trường cần tăng cường truyền thông, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, giao lưu với các trường để góp phần quảng bá thương hiệu.
Những năm gần đây, thiết kế 3D được ứng dụng trong điêu khắc khá tốt. Nên đưa vào trong chương trình đào tạo; đẩy ngành học này lên để đáp ứng thị trường. Giá trị kinh tế của ngành này thậm chí cao hơn ngành thiết kế đồ họa truyền thống.
“Trường có thể tổ chức chấm thi tốt nghiệp công khai để sinh viên được học hỏi lẫn nhau. Trước đây, trường có gian hàng bán các sản phẩm của sinh viên. Theo tôi, cách làm này nên được duy trì. Trường nên mở showroom giới thiệu, bán sản phẩm của sinh viên; có thể trích 1 phần thù lao cho sinh viên. Việc này cũng nhằm quảng bá hình ảnh nhà trường, thể hiện tính ứng dụng thực tế đúng theo tinh thần các ngành đào tạo mỹ thuật ứng dụng của trường”, anh Trọng cho hay.
Cũng theo anh Trọng, để đẩy mạnh thương hiệu của trường thì năng lực của sinh viên phải được doanh nghiệp công nhận. Do đó, cần kết nối với cựu sinh viên ngay từ khi mới ra trường để giới thiệu việc làm; việc phản hồi của doanh nghiệp cũng giúp ích cho cải tiến giáo án, nâng cao chất lượng giảng dạy.