Các môn Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý ở lớp 6 được biên soạn theo hướng tích hợp. Tuy nhiên, đa phần giáo viên lại chưa được đào tạo để dạy học tích hợp. Vì vậy, việc triển khai dạy các môn học mới này gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đang linh động tổ chức dạy học theo nhiều cách khác nhau.
Học sinh Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trong giờ học online. Ảnh: H.Giang
* Nhiều cách phân công giáo viên
dạy môn tích hợp
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 6. Chương trình lớp 6 có các môn học mới gồm: Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Trong đó, các môn KHTN (gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý được soạn theo hướng tích hợp.
Trong khi đó, trong chương trình đào tạo sư phạm trước đó không có môn học tích hợp này. Vì vậy, tùy theo điều kiện, chất lượng đội ngũ giáo viên mà nhà trường phân công đội ngũ giáo viên dạy môn học này theo nhiều cách khác nhau.
Ngay từ trong hè, thầy Nguyễn Công Chiến, giáo viên Trường THCS Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã nghiên cứu kỹ bài học, chuẩn bị giáo án để sẵn sàng dạy môn học mới này. Thầy Chiến được đào tạo chuyên môn sư phạm Vật lý nên phải dành nhiều thời gian để bổ sung kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ dạy phân môn Sinh học - Hóa học. Trong quá trình đó, thầy Chiến nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của các giáo viên 2 bộ môn này. Trước khi bước vào năm học mới, thầy Chiến và đồng nghiệp đã hoàn thành việc phân tích từng bài học và hình thành khung sườn cho từng bài, thậm chí đã đưa ra từng câu hỏi, ví dụ cho mỗi bài học.
Để thuận lợi cho việc trao đổi chuyên môn và chia sẻ kinh nghiệm dạy học, thầy Chiến còn tham gia nhóm Zalo Bài giảng điện tử gồm 100 giáo viên đến từ nhiều trường học trong và ngoài tỉnh. Với mỗi vấn đề thắc mắc được nêu lên, các thầy cô đều nhận được rất nhiều phản hồi, gợi ý của đồng nghiệp.
“Từ phản hồi của đồng nghiệp, chúng tôi sẽ phân tích, đối chiếu, nghiên cứu thêm và lựa chọn phương thức dạy học phù hợp với mình để áp dụng” - thầy Chiến chia sẻ.
Cô Võ Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Bình (xã Phú Lập, H.Tân Phú) cho biết, nhà trường đã phân công 2 giáo viên cùng dạy môn KHTN, trong đó 1 giáo viên phụ trách 2 phân môn Vật lý - Hóa học, 1 giáo viên phụ trách phân môn Sinh học.
Trong khi đó, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) đã họp chuyên môn, cho giáo viên tự nguyện đăng ký dạy môn KHTN, sau đó lựa chọn những giáo viên có đủ năng lực dạy học tích hợp để phụ trách môn học này.
Thầy Hoàng Văn Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Về mặt kiến thức, giáo viên không gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, vì áp dụng chương trình mới và dạy học theo hướng tích hợp nên giáo viên phải nghiên cứu bài kỹ hơn chứ không thể dạy theo thói quen như các môn học cũ”.
* Chủ động xây dựng chủ đề dạy học
Dù chỉ phân công 1 giáo viên hay 3 giáo viên cùng nhau phụ trách dạy môn KHTN thì cũng việc xây dựng được các bài học có nội dung liền mạch là điều rất quan trọng. Để làm được điều nay, các giáo viên môn KHTN phải phối hợp để cùng nghiên cứu và soạn giảng. Đối với môn Lịch sử và Địa lý, việc xây dựng chủ đề dạy học thuận lợi hơn vì 2 phân môn này không có nhiều thay đổi.
Trong chương trình lớp 6 mới, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân bổ 3 tiết/tuần gồm: 1 tiết sinh hoạt dưới cờ, 1 tiết sinh hoạt lớp và 1 tiết hoạt động giáo dục theo chủ đề. Trong đó, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, tùy theo điều kiện từng trường, từng lớp, giáo viên có thể xây dựng chủ đề sao cho phù hợp.
Cô Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, thực chất Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp không phải là một môn học mới mà về bản chất đây chính là nội dung hoạt động ngoại khóa trong chương trình cũ. Vì vậy, giáo viên không gặp khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động.
Vì giáo viên được tự do xây dựng chủ đề theo khung chương trình nên đòi hỏi giáo viên phải bám sát thực tiễn nhà trường, địa phương, điều kiện của học sinh. Nếu giáo viên có sự sáng tạo thì việc dạy và học online không thể là rào cản của hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Chẳng hạn, trong những tuần học đầu tiên, Trường THCS Trường Sa đã xây dựng chủ đề Đồng hành học trực tuyến trong dịch Covid-19 với các nội dung: các biện pháp phòng, chống dịch tại nhà; chia sẻ trải nghiệm khi học online; vẽ tranh giới thiệu về sở thích, bản thân. Chủ đề sát với thực tiễn này đã tạo nên sự hứng thú, sôi nổi trong học sinh. Đây cũng là cách để các em được chia sẻ và kết nối với bạn học, giúp các em không còn bỡ ngỡ với môi trường mới, dù chỉ “gặp nhau” trên màn hình máy tính, điện thoại.
Hoàng Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập