Trong số 51,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên thì có đến hơn 37,7 triệu người (chiếm gần 74%) chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo). Trong khi đó, thị trường lao động đang có nhiều biến đổi, đặc biệt là trong bối cảnh “hậu Covid-19”. Việc nâng cao kỹ năng lao động là yêu cầu tất yếu, trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: H.GIANG
* Thị trường lao động nhiều biến đổi
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động: nguồn cung lao động giảm, số lượng lao động bị mất việc làm tăng. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, nguồn cung lao động hiện đang giảm mạnh. Cụ thể, lực lượng lao động trong quý III-2021 chỉ còn 49,2 triệu người (giảm 1,9 triệu người so với quý II và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi chỉ còn 43,2 triệu người. Tỷ lệ tham gia thị trường lao động chỉ còn 67,7%.
Lao động có việc làm cũng giảm. Theo đó, lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên (quý II) khoảng 47,5 triệu người (giảm 2,4 triệu người so quý I). Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao nhất trong những năm gần đây: Trong quý III, lượng người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp là gần 1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,84%, ở khu vực nông thôn là hơn 3%. Lao động thiếu việc làm là 1,6 triệu người (cao hơn 1,7 lần so với quý trước).
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cho rằng sau dịch, việc tái cơ cấu sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có chuyên môn, kỹ thuật hơn là sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Cùng với đó, xu thế phát triển chung trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi lao động phải nâng cao kỹ năng, trình độ.
Bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng: “Trong xu thế chung của thị trường lao động hiện nay, người lao động sẽ phải thay đổi việc làm nhiều lần do sự thay đổi bản chất của thị trường lao động, do sự xuất hiện của công nghệ mới mang tính đột phá. Vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị để người lao động có thể thích nghi”.
Có thể thấy, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là một yêu cầu cấp bách trước sự biến động nhanh chóng của thị trường lao động. Hiện nay, việc đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận trình độ, kỹ năng nghề vẫn chủ yếu thông qua quá trình đào tạo tại nhà trường. Do đó, quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng lao động Việt Nam.
* Linh hoạt trong đào tạo nghề
Đồng Nai hiện có khoảng 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển đã đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kỹ năng của người lao động ở nhiều mức độ khác nhau.
Hiện nay, Đồng Nai có 2 trường cao đẳng đang được thụ hưởng lợi ích từ chương trình Hợp tác Việt - Đức đổi mới đào tạo nghề Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia đào tạo nghề của Đức đã hỗ trợ Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) và Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) xây dựng chương trình đào tạo cho các nghề kỹ thuật, đáp ứng những yêu cầu của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế.
Những chương trình đào tạo này được xây dựng theo module, có sự phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Quá trình đào tạo có thể thực hiện một cách linh hoạt, có tính liên thông cao giữa các cấp trình độ đào tạo khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho người học trong việc nâng cao kỹ năng, trình độ.
Chẳng hạn, chương trình đào tạo trình độ cao đẳng nâng cao được thiết kế với thời gian đào tạo 3 năm. Trong đó, 18 tháng đầu tiên, người học được đào tạo theo trình độ trung cấp. Hoàn thành 1 năm học tiếp theo, người học đạt trình độ cao đẳng. Hoàn thành nửa năm học cuối, người học đạt trình độ cao đẳng nâng cao (tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế).
Các chuyên gia Đức cũng đã hỗ trợ biên soạn các chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng (học thêm 4 module) và từ cao đẳng lên cao đẳng nâng cao (người học chỉ cần học thêm 2 module). Ngoài ra, với cấu trúc chương trình đào tạo này, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cũng có thể áp dụng, hiệu chỉnh các module đào tạo hiện có để triển khai đào tạo ngắn hạn hoặc nâng cao cho người lao động và người đang tìm kiếm việc làm theo yêu cầu cụ thể của họ.
Cùng với đó, một vài trường nghề tại Đồng Nai đang áp dụng hình thức đào tạo 9+4. Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS có thể đăng ký học hệ cao đẳng chính quy (tổng thời gian đào tạo là 4 năm) theo 2 hình thức: học nghề và học 4 môn văn hóa (người học được cấp bằng cao đẳng và xác nhận hoàn thành chương trình phổ cập nội dung văn hóa); học nghề và học 7 môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên (người học được cấp bằng cao đẳng và được tham gia thi tốt nghiệp THPT).
Hiện nay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh vẫn đang chủ yếu đào tạo theo hướng liên thông. Nghĩa là học sinh sau khi hoàn thành hệ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT mới được học liên thông lên cao đẳng. Mặc dù vậy, với việc xuất hiện nhiều hình thức đào tạo, đặc biệt là áp dụng đào tạo theo module, người học đã có thêm nhiều lựa chọn và thêm nhiều cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Hoàng Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập