Tính đường dài cho cây công nghiệp thế mạnh Đồng Nai

Thứ hai - 23/11/2020 08:14
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Điều, cà phê, tiêu, cao su là 4 loại nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai. Hiện các loại cây công nghiệp này đã qua thời vàng son vì không còn nằm trong nhóm cây trồng thuộc tốp đầu về thu nhập như nhiều năm trước đó. Nhưng đây vẫn là nhóm nông sản xuất khẩu thuộc tốp đầu của Việt Nam nên vẫn là những cây chủ lực trong chiến lược phát triển dài hạn, bền vững của Đồng Nai. 

23.11-H1 XK cây CN.jpg
Thu hoạch tiêu tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất). Ảnh: Phan Anh
Trong giai đoạn hội nhập, Đồng Nai vẫn xác định điều, tiêu, cà phê, cao su vẫn là nhóm nông sản chủ lực, có nhiều lợi thế phát triển của tỉnh. Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị của các cây trồng trên.
Lợi thế xuất khẩu
Toàn tỉnh hiện có hơn 106 ngàn ha cây công nghiệp lâu năm, trong đó, cao su có hơn 45,7 ngàn ha, cây điều hơn 33,9 ngàn ha, hồ tiêu gần 13,7 ngàn ha, cà phê trên 10 ngàn ha thuộc tốp đầu về diện tích các cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Đây cũng là nhóm cây trồng thế mạnh Đồng Nai sẽ tập trung phát triển trong Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Cao su, tiêu, cà phê, điều vẫn là nhóm nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai. Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xuất khẩu điều, cà phê, tiêu, cao su đạt hơn 394,6 triệu USD. Trong đó, cà phê và hồ tiêu là là một trong số ít những mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng dù thị trường xuất khẩu chung bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19. Ấn tượng nhất là xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt trên 350,8 triệu USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo đánh giá của Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn cho Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, Việt Nam vẫn thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, tiêu, điều, cao su. Tiềm năng xuất khẩu của các mặt hàng này còn rất lớn. Riêng thế mạnh của nhóm cây công nghiệp lâu năm của Đồng Nai là diện tích cũng như sản lượng vẫn nằm trong tốp đầu cả nước. Có vị trí địa lý thuận lợi cho xuất khẩu như là đầu mối các tuyến cao tốc, đặc biệt là gần các cảng biển lớn. Ngoài ra, Đồng Nai lại sát bên thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM; có các khu công nghiệp hiện đại để thu hút đầu tư chế biến sâu…
Đầu tư chế biến sâu
23.11-H2 XK cây CN.jpg
Thu hoạch cà phê tại xã Sông Thao (H.Trảng Bom). Ảnh: Phan Anh
Thời gia qua, hàng loạt hiệp định thương mại có hiệu lực như: Hiệp định Thươngmại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc;  Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEA; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…với mức thuế suất thuế nhập khẩu của hàng loạt các mặt hàng nông sản về 0%. Đây được cho là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính.
Đánh giá về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường chung châu Âu, ông Jos Leeters, Giám đốc công ty Bureau Leeters (Hà Lan) khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và nhiều hiệp định thương mại khác có hiệu lực là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đây là cơ hội lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong đó có nguyên nhân lớn nhất là Việt Nam chủ yếu vẫn xuất hàng thô, chưa đầu tư mạnh vào khâu chế biến.
Theo GS-TS.Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để nông sản Việt Nam không rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, các vùng sản xuất phải thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Với điều kiện sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán như ở Việt Nam, các nhà máy chế biến nên được đầu tư ở ngay tại vùng nguyên liệu để tiết kiệm chi phí.
Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu cà phê, hồ tiêu của Đồng Nai vẫn tăng trưởng tốt trong khi cả nước sụt giảm do Đồng Nai thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản. Cụ thể, báo cáo của Sở NN-PTNT Đồng Nai về ngành công nghiệp chế biến nông sản, toàn tỉnh có 150 cơ sở chế biến sản phẩm các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều, ca cao…Trong đó, chủ yếu là các cơ sở chế biến cà phê, điều. Cụ thể, toàn tỉnh có 50 cơ sở và hàng trăm hộ chế biến hạt điều với tổng công suất thiết kế khoảng 45 ngàn tấn nguyên liệu/năm. Toàn tỉnh cũng có 29 doanh nghiệp hoạt động chế biến cà phê và hơn 38 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Phan Anh 
GS-TS.Nguyễn Hồng Sơn góp ý, Đồng Nai có lợi thế hơn những địa phương khác trong đầu tư vào chế biến nông sản vì tỉnh có khu công nghiệp phát triển, giao thông thuận lợi, nhất là rất gần các cảng biển lớn. Song song với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản thế mạnh của địa phương như: tiêu, cà phê, điều, Đồng Nai phải có quy hoạch các vùng chuyên canh, tạo được sự kết nối giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây