Mức lương thấp, môi trường làm việc áp lực được cho là những nguyên nhân chính khiến giáo viên mầm non (GVMN) bỏ việc. Những chính sách nhằm phát triển giáo dục mầm non hiện nay vẫn chưa đủ để “giữ chân” đội ngũ giáo viên này.
Trong khi chờ đợi Luật Nhà giáo và các chính sách khả thi hơn từ Trung ương, Đồng Nai cần thực hiện tốt những chính sách hiện có, đảm bảo công bằng cho đội ngũ giáo viên ở cơ sở.

Giáo viên Nhóm trẻ độc lập tư thục Mai Hoa (P.An Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học
Giáo viên Nhóm trẻ độc lập tư thục Mai Hoa (P.An Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học
* Khó thu hút giáo viên mầm non
Theo số liệu tổng hợp của Sở GD-ĐT, hiện toàn tỉnh thiếu hơn 700 GVMN so với quy định. Nếu tính theo định mức giáo viên tối đa/lớp (2,5 giáo viên/nhóm trẻ; 2,2 giáo viên/lớp mầm non) thì số lượng giáo viên còn thiếu sẽ lên tới con số ngàn.
Không chỉ thiếu, số lượng GVMN chưa đạt chuẩn cũng khá nhiều. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 11,4 ngàn GVMN thì có đến gần 3,7 ngàn giáo viên mới chỉ có bằng trung cấp sư phạm (chiếm hơn 30%). Trong đó, có hơn 480 giáo viên ở các trường mầm non công lập, hơn 3,2 ngàn giáo viên ở các trường, nhóm lớp tư thục.
Riêng tại TP.Biên Hòa, năm học này, thành phố có 130 trường mầm non (34 trường công lập, 96 trường tư thục), 426 nhóm lớp mầm non độc lập, 187 nhóm trẻ có quy mô dưới 7 trẻ. Mạng lưới trường, lớp này đáp ứng chỗ học cho hơn 57,9 ngàn trẻ, trong đó có đến 51,6 ngàn trẻ học ở khối các trường, lớp tư thục (chiếm hơn 89%).
Thành phố hiện còn thiếu hơn 560 GVMN, bao gồm cả trường công lập và tư thục. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. “Năm nào thành phố cũng tuyển dụng GVMN nhưng số lượng hồ sơ nộp vào luôn thấp hơn nhu cầu tuyển dụng. Chẳng hạn, năm học trước chúng tôi cần tuyển 52 biên chế nhưng chỉ có 11 người nộp hồ sơ. Năm nay, chúng tôi tiếp tục tuyển thêm 70 giáo viên nhưng số lượng hồ sơ nộp vào rất ít” - ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết.
Ngành giáo dục đã có lộ trình để cho phép số giáo viên chưa đạt chuẩn đi học nâng cao trình độ. Tuy nhiên, trong tình hình thiếu giáo viên hiện nay thì rất khó để những người chưa đạt chuẩn đi học.
Nhóm trưởng nhóm lớp Mai Hoa (P.An Bình), cô Nguyễn Lê Bảo Xuyên cho biết: “Giáo viên của nhóm được khuyến khích đi học liên thông lên cao đẳng mầm non cho đạt chuẩn và sẽ hỗ trợ một phần học phí nhưng rất khó để các cô đi học, vì khó sắp xếp thời gian. Các cô đã làm việc 6 ngày/tuần, từ sáng đến chiều tối mới về nên phải dành thời gian ngày Chủ nhật cho gia đình. Còn nếu học trong ngày làm việc thì các giáo viên khác sẽ không “gánh” lớp được”.
* Mong chờ Luật Nhà giáo
Gắn bó nhiều năm với ngành giáo dục nên Phó Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích thấu hiểu những khó khăn của GVMN, đặc biệt là mức lương hiện nay. “Một GVMN mới được tuyển dụng chỉ được trả mức lương khởi điểm hơn 2,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 1 bảo vệ làm việc theo chế độ hợp đồng được trả mức lương hơn 4 triệu đồng” - ông Ích dẫn chứng cụ thể về sự bất cập.
Theo quy định hiện nay, mức lương khởi điểm của GVMN hạng IV (chưa đạt chuẩn) hơn 2,7 triệu đồng (hệ số 1,86); mức khởi điểm cao nhất là giáo viên hạng I (giáo viên trên chuẩn, hệ số 2,34) cũng chỉ được hơn 3,4 triệu đồng. Ngoài ra, giáo viên còn có phụ cấp đứng lớp (35%) và sau 5 năm công tác sẽ có phụ cấp thâm niên, nhưng riêng trong năm thử việc thì chỉ được nhận 85% lương.
Chủ nhóm trẻ Khôi Nguyên (TP.Biên Hòa), cô Phạm Thị Thu Hằng thẳng thắn nói: “Đa phần giáo viên dạy ở các nhóm lớp độc lập tư thục chỉ có trình độ trung cấp, bởi người có bằng cấp cao hơn sẽ xin việc ở các trường lớn. Không những vậy, đội ngũ giáo viên ở các nhóm lớp nhỏ cũng không ổn định. Chúng tôi rất cần chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên để họ yên tâm công tác. Có như vậy thì giáo viên mới có điều kiện học tập nâng cao trình độ nhằm đảm bảo chuẩn GVMN theo quy định”.
Trên thực tế, GVMN đang phải chịu nhiều thiệt thòi so với các đối tượng lao động khác. Chẳng hạn, Nghị định 105/2020/NĐ-CP có quy định chính sách hỗ trợ 160 ngàn đồng/tháng cho học sinh là con em công nhân đang học tại các trường, nhóm lớp mầm non tư thục. Trong khi đó, GVMN cũng rất khó khăn, thu nhập thấp nhưng con của họ lại không được hỗ trợ.
Những bất cập hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải có nhiều giải pháp cả dài hơi lẫn tức thời để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên. Trong đó, cần phải có thêm phụ cấp và cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho GVMN.
Ở tầm vĩ mô, Luật Nhà giáo cần phải được xây dựng và ban hành thì mới có thể đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên một cách tốt nhất, phù hợp với tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo. Nghiên cứu xây dựng Luật Nhà giáo cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2022-2023 này.
Đội ngũ giáo viên không chỉ ở Đồng Nai mà cả nước đều mong muốn có được hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi tương xứng với những cống hiến của nhà giáo. Đồng thời, từ Luật Nhà giáo, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ có những chính sách đặc thù về tuyển dụng, mức lương, chế độ làm việc… để giữ chân và thu hút đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý trường học. Có như vậy thì đội ngũ giáo viên mới yên tâm công tác, hoàn thành tốt sứ mệnh của những người làm giáo dục.