Trên địa bàn Đồng Nai có những doanh nghiệp (DN) đã tìm ra hướng đi riêng để giữ vững thị trường và ổn định sản xuất và khẳng định được thương hiệu của mình. Tuy nhiên, các nhãn hàng đều có điểm chung là theo lộ trình hướng đến dòng sản phẩm xanh để tốt cho người tiêu dùng và môi trường.

Sản xuất nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom)
Sản xuất nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom)
Có nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã thực hiện khá tốt việc chuyển đổi sản xuất để đưa ra thị trường dòng sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó, nâng tầm được thương hiệu trên thị trường thế giới nên các DN vẫn trụ vững, phát triển trong, sau đại dịch Covid-19 và trước hàng loạt những biến động tiêu cực trên toàn cầu.
*Xây dựng thương hiệu
Đại dịch Covid-19, tiếp đến là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đã khiến cho nền kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn như: chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển gia tăng. Trong bối cảnh trên vẫn có những DN tìm ra những giải pháp thích hợp để vượt qua khó khăn, tiếp tục mở rộng sản xuất. Các sản phẩm DN làm ra đều hướng đến người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, sức khỏe và giá cả phù hợp.
Ông Khuất Quang Hưng, Trưởng bộ phận Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, xu hướng của người tiêu dùng trong và ngoài nước có nhiều thay đổi. Cụ thể, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, sản phẩm phải chất lượng, tiện lợi, tốt cho sức khỏe. Để giữ chân được khách hàng truyền thống và có thêm khách hàng mới, Nestlé cố gắng nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”. Cũng theo ông Hưng, Nestlé Việt Nam cũng chịu tác động lớn từ nguyên liệu đầu vào gia tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Tuy nhiên, để bù lại những chi phí trên, DN đã tìm cách giảm chi phí phát sinh bằng cách ứng dụng số hóa vào trong khâu vận hành sản xuất, nhằm giảm lao động, tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, Nestlé vẫn khôi phục được sản xuất như khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, tiếp tục mở thêm các dây chuyền sản xuất mới và sản phẩm xuất qua 25 nước trên thế giới.
Là DN Việt, không có bề dày như nhiều nhãn hàng quốc tế nhưng sản phẩm của GC food sau hơn 10 năm, ra mắt người tiêu dùng đã chiếm lĩnh được thị trường của 20 quốc gia. Từ đầu năm đến nay, dù kinh tế thế giới suy giảm, nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất nhưng GC food vẫn giữ mức tăng trưởng 30% so với năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Hiện nay, các DN đều gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và công ty cũng không tránh khỏi. Sở dĩ, công ty giữ được mức tăng trưởng khá là do chú trọng vào hai dòng sản phẩm chủ lực là nha đam và thạch dừa, đồng thời đa dạng thêm các dòng sản phẩm khác để tìm thêm thị trường mới, bù lại những thị trường bị thu hẹp. GC đã lên kế hoạch cho năm 2023, tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khoảng 30% ở các thị trường trong và ngoài nước”.
*Bắt nhịp với những thay đổi
Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trên thế giới đã có nhiều thay đổi từ cách chọn sản phẩm đến phương thức mua hàng hóa. Đồng thời, trong tiêu dùng người dân cũng hướng nhiều đến việc tiết kiệm, ưu tiên cho những sản phẩm cần thiết với sinh hoạt hằng ngày. Theo đó, những nhãn hàng bắt kịp được yêu cầu của khách hàng, có kế hoạch điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp sẽ trụ vững. Đặc biệt là người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.
Theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao NielsenIQ Việt Nam, hơn 2 năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu hướng chọn các sản phẩm có yếu tố tăng cường sức khỏe và họ ngày càng chú ý hơn đến những yếu tố tác động đến cuộc sống của họ. Vì thế, các DN có thể dựa trên các xu hướng trên để có kế hoạch sản xuất sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh để bảo vệ sức khỏe của người dân và môi trường sống. Các nhãn hàng trên thế giới cũng có lộ trình khuyến khích, yêu cầu các DN gia công cho nhãn hàng, đối tác cung ứng nguyên liệu đầu vào, sản phẩm hoàn chỉnh phải có lộ trình ứng dụng công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, từng bước sử dụng nguyên liệu tái chế tiến đến sản xuất tuần hoàn. Những nhà máy đi đầu trong xu hướng sản xuất xanh sẽ được nhãn hàng và các đối tác chọn lựa và đặt hàng nhiều hơn.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho hay: “Các DN châu Âu đầu tư vào Việt Nam đang nỗ lực trong chuyển đổi xanh để đưa ra thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là một trong những giải pháp giúp DN giảm được chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.
Nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực, trong những tháng cuối năm và năm 2023, mỗi DN tìm ra giải pháp riêng để tồn tại và phát triển vượt qua khó khăn.