Tìm giải pháp thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển

Thứ bảy - 23/12/2023 22:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Sáng 22-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các hội, hiệp bội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa…

Tại điểm cầu Đồng Nai, đồng chí Võ Tấn Đức, Ủy viên Ban TVTU, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành tỉnh tham dự hội nghị.

Thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng. Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra, như: chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; tình trạng vi phạm bản quyền…

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa; bộ, ngành liên quan đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tương lai.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ VH-TTDL chủ trì phối hợp Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản sau hội nghị nhằm tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng cũng đã chỉ ra các cơ sở chính trị quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa…; những thời cơ, thách thức đặt ra đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời nêu lên các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Theo đó, tinh thần chung mà Thủ tưởng nêu ra là các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Ngoài việc chỉ ra nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế để xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bố trí quỹ đất, cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa. Xây dựng các sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng của địa phương gắn với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa với du lịch và đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm. Tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa, công nghiệp văn hóa…

Tác giả: An Hạ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây