Trước khó khăn giá vật tư nông nghiệp đầu vào không ngừng tăng cao, đầu ra nông sản lại khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nông dân ngày càng quan tâm đến bài toán giảm chi phí đầu vào bằng các giải pháp, các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác.
Nông dân huyện Trảng
Bom dùng giống điều mới cao sản ghép trên vườn điều già cỗi để trẻ hóa vườn điều,
tăng năng suất cây trồng. Ảnh: P.A
Trong đó, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong quy trình sản xuất là nhóm giải pháp để tiết kiệm chi phí sản xuất; nhất là sử dụng giống mới để vừa hạ chi phí đầu vào, vừa góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Nhiều giải pháp hay
Để giảm chi phí đầu vào, nông dân ngày càng quan tâm đến các mô hình sản xuất tiết kiệm vật tư, giống... Cụ thể, với sản xuất lúa gạo, từ nhiều năm nay, nông dân đã đẩy nhanh ứng dụng các chương trình như "3 giảm, 3 tăng”, "1 phải, 5 giảm”, chương trình IPM… nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất. Ví dụ, phương pháp “3 giảm, 3 tăng” là giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả. “1 phải, 5 giảm” là phải sử dụng giống xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa; giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận.
Doanh nghiệp, nông dân cũng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như: sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thông qua đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm (nhỏ giọt, phun mưa), kết hợp cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất...
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) nhận xét, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến chi phí giá thành sản xuất bị đội lên đáng kể. Để phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhất là trong đầu tư cho khâu giống.
Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay, việc xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để chuyển đổi sản xuất, tổ chức lực lượng phối hợp dịch vụ bài bản hơn nhằm giải quyết những bất cập trong sản xuất, đảm bảo sự nhịp nhàng, tối đa hóa nguồn lực, giảm áp lực dịch vụ vận tải, nhân công cần được phát huy hơn bao giờ hết để phát triển nông nghiệp bền vững.
Ưu tiên giống mới
Việc đầu tư, ứng dụng những giống mới với năng suất, chất lượng cao đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống thiên tai; góp phần tăng thu nhập, lợi nhuận của nông dân ngày càng được quan tâm.
Trong thu hoạch lúa
đã ứng dụng cơ giới hóa 100%. Ảnh: Thu hoạch lúa tại H.Vĩnh Cửu
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về cơ cấu giống trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam, hiện các giống lúa ngắn ngày, giống lúa có năng suất, chất lượng cao, giống lúa thơm đang được ưu tiên sử dụng; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Cụ thể, trong vụ hè thu năm 2021, tỷ lệ sử dụng giống lúa thường làm giống chỉ còn khoảng hơn 23% trên tổng diện tích ở khu vực phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản, nhất là giống lúa thơm ST24, ST25 và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Các giống gạo chất lượng cao đã nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn trong năm 2020, giúp thương hiệu và vị thế xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển không ngừng.
Chia sẻ về hiệu quả sử dụng giống mới trong sản xuất, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho biết, từ vài năm trở lại đây, các thành viên trong HTX đều chuyển hướng trồng các giống lúa đặc sản như: ST24, ST25. Đây đều là những giống đặc sản đang được thị trường ưa chuộng nên vẫn bán được với giá cao, cung không đủ cầu. Theo đó ngay cả giai đoạn đầu ra lúa gạo gặp khó khăn về thị trường do ảnh hưởng dịch Covid-19, tiêu thụ các sản phẩm gạo của HTX vẫn thuận lợi. So với sử dụng các giống lúa thường, lợi nhuận của nông dân cũng tăng hơn rất nhiều.
Trong trồng bắp, nông dân cũng sử dụng giống mới, ứng dụng kỹ thuật mới với mô hình trồng bắp lấy cây làm thức ăn cho đại gia súc với thời gian thu hoạch ngắn hơn, lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, nhiều Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm chuyển đổi canh tác lúa, rau, cây ăn trái, cây công nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhiều địa phương, nông dân hầu như tự sản xuất được nguồn phân bón bằng việc sử dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: rơm, thân bắp kết hợp với phân chuồng trong chăn nuôi, tự làm thuốc vi sinh trong phòng trừ sâu bệnh. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cũng góp phần giảm chi phí công lao động vốn là bài toán khó hiện nay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam Trần Mạnh Báo, từ xưa, giống luôn là tiền đề, là vật tư quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, đầu tư cho khâu giống cần gắn với đầu tư cho quy trình canh tác. Chính phủ là phải có chương trình giống cho đồng bằng sông Cửu Long, cho khu vực miền Nam từ giống lúa đến giống cây ăn trái vì đây là vùng sản xuất lớn. Chính sách cho việc phát triển giống phải thay đổi với tinh thần quyết liệt hơn, nhất là nhanh chóng giải tỏa việc chậm trễ trong việc công nhận giống mới.
Phan Anh
Việc đầu tư, phát triển về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được Đồng Nai đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 11444/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập