Nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho người dân khó khăn trong dịch bệnh, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định mở rộng đối tượng hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, tìm cách đẩy nhanh tiến độ để có thể kịp thời hỗ trợ thêm nhiều người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Chi trả hỗ trợ cho người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa
Tiến độ còn chậm
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thuộc cho rằng, một trong những nguyên nhân được một số NLĐ về quê mới đây chia sẻ là một số người đã làm đơn để hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68, nhưng đợi đến nay vẫn chưa được nhận. Do đó, theo ông Thuộc, tỉnh đã có chủ trương mở rộng đối tượng được hưởng thì Sở LĐ-TBXH nên có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để các địa phương trong quá trình triển khai được thuận lợi và nhanh chóng hơn, người dân sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ.
Theo Phó bí thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, tiến độ hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn theo Nghị quyết 68 triển khai vừa qua trong thực tế còn chậm. Cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết hỗ trợ cho người dân. Theo đó, nên phân cấp cho huyện phê duyệt danh sách người dân được hỗ trợ. Từ đó, huyện chủ động xử lý, nếu thiếu thì tiếp tục xem xét phê duyệt; qua đó, giảm bớt nhiều bước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người dân...
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, qua theo dõi của Mặt trận và qua đường dây nóng đã tiếp nhận nhiều thông tin người dân phản ảnh về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, phản ảnh nhiều nhất vẫn là có những trường hợp hoàn cảnh giống nhau nhưng người được nhận chính sách hỗ trợ còn người lại không, hay chính sách hỗ trợ được triển khai chậm ở một số nơi…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các địa phương cần giám sát chặt chẽ hơn, lập danh sách rõ ràng, cụ thể. Qua đó hỗ trợ kịp thời, tránh bỏ sót đối tượng. Khi có chủ trương cần thực hiện ngay việc hỗ trợ chính sách cho người dân
Ghi nhận tại TP.Biên Hòa, tính đến ngày 29-9, thành phố đã trình 33 đợt với số lượng 115 ngàn người dân được hỗ trợ. UBND tỉnh đã duyệt 25 đợt, vẫn còn 8 đợt nữa đang được UBND tỉnh tiếp tục xét duyệt.
Tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng
Ngày 30-9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3689 về việc sửa đổi, bổ sung các khoản 2, 3 và Điểm a, Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 2379/QĐ-UBND tỉnh ngày 12-7-2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1,5 triệu đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021-2025). Trong đó, bao gồm lao động tự do tự tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ cho mục đích kinh doanh hoặc làm thuê tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các ngành nghề khác phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1-5-2021.
Cùng với đó là đối tượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở giáo dục tư thục phải tạm hoãn công việc, ngừng việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, bị mất việc do DN, HTX, cơ sở giáo dục tư thục phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhưng không đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định tại các khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết 67-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ. Như vậy, so với trước đó, thay vì liệt kê một số ngành nghề cụ thể, công văn mới mở rộng thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, UBND tỉnh cũng đã làm việc với Sở LĐ-TBXH, Văn Phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ. Trong đó, đã tính toán đến phương án ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố trong việc phê duyệt danh sách hỗ trợ để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân.
Còn theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến, vaccine, công nghệ thông tin và an dân chính là những vấn đề cần phải được quan tâm nhất hiện nay. Trong đó, ông rất đồng tình với việc mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
“Mở rộng là rất đúng và cần phải làm khẩn trương, quyết liệt hơn nữa để kịp thời hỗ trợ cho người dân, có như vậy mới giúp người dân an tâm vượt qua khó khăn trong dịch bệnh” - Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến bày tỏ.
Trang Thư