Hiện nay, nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng các hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...
Người tiêu dùng có thể “đi chợ trực tuyến” thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Ông Trang Phúc, phụ trách bộ phận thu ngân Co.opmart Biên Hòa cho biết, hiện nay siêu thị đã bố trí máy quẹt thẻ máy POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/ dịch vụ hàng hóa) tại tất cả các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ của tất cả các ngân hàng. Bên cạnh đó, Co.opmart Biên Hòa còn triển khai 23 thiết bị thanh toán bằng ví điện tử Momo tại các quầy thu ngân.
Hiện tỷ lệ giao dịch bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, đặc biệt là dưới tác động của dịch Covid-19, có nhiều thời điểm tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng các hình thức này chiếm hơn 30% tổng lượt thanh toán tại siêu thị.
Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khách hàng trong độ tuổi từ 25-45 và khách hàng là cơ quan, tổ chức là nhóm khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử phổ biến nhất.
Chị Quỳnh Anh (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, tôi thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như internet banking và ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng là Momo, VNPay để thanh toán giao dịch tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống, dịch vụ giao hàng trực tuyến... vì các ứng dụng thường có nhiều mã ưu đãi, khuyến mãi, cũng như việc thanh toán này hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay”.
Dịch Covid-19 mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, cũng như là dịp để các doanh nghiệp, đợn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Khoảng hơn 1 năm trở lại, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi đã triển khai nhiều hình thức, dịch vụ “đi chợ trực tuyến” và được khách hàng đón nhận khá tốt.
Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn các mặt hàng cần mua qua kênh đăng ký mua hàng trực tuyến của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, tiếp đến nhân viên của siêu thị, cửa hàng sẽ lựa chọn những sản phẩm theo giỏ hàng mà khách hàng đặt. Sau đó, khách hàng chỉ cần đến nhận hàng hóa cần mua tại siêu thị hoặc giao hàng tận nhà rồi thanh toán hóa đơn bằng nhiều hình thức đa dạng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, nổi bật lên các ứng dụng (app) mua sắm online trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… Điều này giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm cần mua, thanh toán trực tuyến chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, nhanh gọn. Xu hướng này càng có nhiều điều kiện phát triển, nhân rộng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho biết, siêu thị đang triển khai các hình thức đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng mua hàng Speed L của Lotte Mart trên điện thoại thông minh… Lượng khách phần lớn là các đơn vị, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong khu vực. Siêu thị miễn phí giao hàng trong bán kính 10km tùy vào giá trị hóa đơn.
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen, thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng. Nhiều cửa hàng về dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện đẩy mạnh các hình thức đặt hàng, thanh toán trực tuyến thông qua việc kết hợp với một số ứng dụng giao đồ ăn như: Baemin, Now, Loship... đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, mã giảm giá để tăng lượng tương tác, cũng như giảm bớt tình trạng ế ẩm, sụt giảm doanh thu do tình hình dịch bệnh phức tạp.
Phan Anh