UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương đến năm 2030 trên địa bàn Đồng Nai. Đây được coi là giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất các mặt hàng chế biến từ nguồn nguyên liệu của địa phương, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ trái cây, nông sản.
Theo các doanh nghiệp (DN), đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao cần nhiều nguồn lực nên sự trợ giúp từ Nhà nước về cơ chế, chính sách và nguồn vốn là rất cần thiết.
Thu hút công nghệ cao vào chế biến sản phẩm địa phương là hướng đi lâu dài
Khó cạnh tranh nếu giá trị thấp
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nông nghiệp của Đồng Nai chỉ chiếm gần 6% GDP của tỉnh, nhưng là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh, chẳng những tạo ra khối lượng sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của hàng triệu người dân trong tỉnh, khu vực Đông Nam bộ mà còn góp phần xuất khẩu. Tuy nhiên, trình độ phát triển và ứng dụng công nghệ cao để nâng giá trị sản phẩm, nhất là sản phẩm đã qua chế biến còn rất khó khăn. Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Đồng Nai cần phát triển theo chiều rộng và sâu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, thương mại điện tử.
Đồng Nai đang xuất khẩu nông sản tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nga, Hàn Quốc, Trung Đông...Tuy nhiên, thời gian qua, việc xuất khẩu vẫn rất bấp bênh bởi phần lớn nông sản vẫn xuất qua Trung Quốc là chủ yếu. Việc ách tắc hàng hóa khi nước này nhiều lần tạm ngưng nhập hàng vẫn là bài toán nan giải.
Về phía DN, ông Hồ Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Lương Gia, DN có 2 nhà máy sản xuất chế biến tại Đồng Nai cho biết, các dòng sản phẩm của công ty đều được sản xuất theo chuỗi cung ứng. Điều này đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào và được chế biến theo mô hình sản xuất với công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm quốc tế. DN từ nhiều năm nay mong muốn tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất, đầu tư cho chế biến sâu, nhưng nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm cho DN thêm khó khăn, do vậy rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tương tự, tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức những năm qua đã hợp tác với Công ty TNHH Thương mại sản xuất Ca cao Ken Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) để quảng bá, xuất khẩu chocolate và các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thị trường thế giới.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc công ty, cho biết hướng phát triển của Trọng Đức là nhắm vào thị trường cao cấp và rất cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ.
Thu hút đầu tư công nghệ cao
Để tạo cơ sở cho thu hút DN ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp sinh học ngành Công thương đến năm 2030. Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực ứng dụng công nghệ sinh học, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, thúc đẩy hình thành các DN khoa học ứng dụng công nghệ sinh học. Phấn đấu đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học chiếm tối thiểu 20% trong các ngành chế biến.
Đồng Nai tiếp tục triển khai và hoạt động có hiệu quả 2 cụm công nghiệp chế biến sâu nông sản tại H.Định Quán, H.Cẩm Mỹ; mở rộng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất); hình thành cụm liên kết, chuỗi sản xuất, giá trị của ngành. Duy trì tốc độ tăng trưởng, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến thực phẩm từ 8-10% mỗi năm. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng công nghệ mới từ các nước tiên tiến. Thu hút các dự án tập trung sản xuất theo công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với các sản phẩm có nguyên liệu trong nước vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu, ngành Công thương sẽ nỗ lực tham vấn, tìm hiểu thông tin từ các thị trường, các tham tán thương mại tại các quốc gia để nắm bắt nhu cầu, triển vọng, từ đó mới có thể giải quyết căn cơ được những hạn chế, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của Đồng Nai cũng như Việt Nam.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập