Từ ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã chính thức có hiệu lực. Đây là thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khối.
Từ cách đây gần 2 năm, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như Đồng Nai đã chuẩn bị đầy đủ các tiêu chí để đáp ứng những quy định về xuất xứ hàng hóa để mở rộng xuất khẩu vào các nước thành viên trong RCEP.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata
Hiệp định lớn nhất thế giới
Sau 8 năm đàm phán, cuối cùng Hiệp định RCEP cũng được ký kết và có hiệu lực. Mặc dù, nhiều nước trong RCEP, Việt Nam đã có ký kết riêng các Hiệp định thương mại tự do, nhưng DN vẫn trông đợi RCEP vì mở ra một thị trường rộng lớn, tạo thuận lợi cho giao thương để mở rộng hợp tác, sản xuất, xuất khẩu và hình thành chuỗi cung ứng mới.
RCEP được xem là hiệp định lớn nhất thế giới vì có 15 nước tham gia gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia. GDP của khu vực RCEP khoảng 26,2 ngàn tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Như vậy, trong vòng 20 năm tới, RCEP sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết hiệp định và thiết lập các quy tắc chung cho thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Bên cạnh đó, RCEP sẽ đem lại những lợi thế khác cho DN như: cắt giảm chi phí, thời gian trong xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đã ký kết thỏa thuận và DN không phải thực hiện những yêu cầu riêng biệt của từng nước.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: “RCEP có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Đồng thời, các DN dệt may Việt Nam, cũng có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu vào những thị trường ngoài khối tăng sức cạnh tranh”. Vì thế, ngành dệt may của Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022, đạt kim ngạch xuất khẩu từ 42,5-43 tỷ USD một phần dựa vào các lợi thế từ Hiệp định RCEP mang lại.
Tham gia sau vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Các nước tham gia RCEP cũng kỳ vọng hiệp định sẽ thúc đẩy thương mại trong khối phát triển mạnh mẽ để góp phần giúp các quốc gia phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo lộ trình cam kết, các nước tham gia hiệp định sẽ xoá bỏ từ 30-100% số dòng thuế cho hàng hóa ngay khi RCEP có hiệu lực. Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam cho các nước trong ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,6%. Bên cạnh đó, hiệp định này có hiệu lực cũng sẽ giảm bớt hàng rào phi thuế quan thương mại giữa các nước thành viên như: giảm thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa, cắt giảm bớt các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong ngắn hạn, RCEP khó tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì các nước trong khối hầu hết có ký kết hiệp định thương mại tự do với nước ta và các dòng thuế giảm sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng đó nên xuất khẩu sẽ tăng lên. Xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”.
DN tham gia vào hội nhập sâu, mở rộng sản xuất, xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập