Thanh toán không tiền mặt đã thành thói quen của người dân

Thứ sáu - 29/12/2023 15:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần truyền tải những thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ người tiêu dùng trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số.
(CTT-Đồng Nai) - Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việt Nam đã và đang bắt nhịp theo xu hướng này. Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên có nhiều thuận lợi để phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Khách hàng quét mã thanh toán khi mua hàng tại gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai tại Phiên chợ thanh toán trực tuyến ở TP.Đà Nẵng
Khách hàng quét mã thanh toán khi mua hàng tại gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai tại Phiên chợ thanh toán trực tuyến ở TP.Đà Nẵng

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng tích cực ứng dụng thanh toán không tiền mặt trong bán hàng trực tiếp cũng như bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Theo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn cũng dần hình thành thói quen mua bán, giao dịch không dùng tiền mặt vì rất tiện lợi.

Đi chợ không cần tiền mặt

Bà Nguyễn Thị Hường, một người dân tại P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa cho biết, ngày nay, các bà nội trợ đi chợ chỉ cần cầm theo cái điện thoại thông minh là có thể quét mã mua được mọi thứ, từ bó rau vài ngàn đến các món ăn giá cao. Đa số tiểu thương bán ở chợ đến các tiệm tạp hóa đều chấp nhận khách mua chuyển khoản, nhiều nơi họ để sẵn mã để người mua thuận lợi hơn trong thanh toán.

Ông Nông Sểnh Bẩu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu, sản xuất thực phẩm Đông Du Ký (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) nhận xét, việc phổ biến thanh toán trực tuyến hầu như không gặp khó khăn gì vì hiện ngay cả các bà, các bác lớn tuổi ở nông thôn cũng đều dùng điện thoại thông minh, đều lướt facebook và có tài khoản online. Để thêm một kênh thanh toán tiện lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua, doanh nghiệp đã triển khai chương trình thanh toán trực tuyến, có mã QR code để người tiêu dùng chỉ cần mở điện thoại quét mã là thanh toán xong nên rất tiện lợi. Ngoài ra, hiện có rất nhiều chương trình thanh toán trực tuyến với nhiều ưu đãi cho người sử dụng. Kênh thanh toán thông minh này tiện lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng và rất phù hợp với bối cảnh kinh doanh năng động hiện nay.

Hưởng ứng phong trào mua sắm không tiền mặt, đầu tháng 12, nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai đã tham gia Phiên chợ Thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng. Các doanh nghiệp tham gia có nhiều hoạt động khuyến mãi như: mã QR voucher, khuyến mãi trực tuyến...nhằm thu hút người dân, du khách đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm dùng thử các sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, nhà sản xuất giới thiệu cho người tiêu dùng các trang thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội có thể mua sắm mọi lúc mọi nơi.

Góp phần phát triển thương mại điện tử

Thương mại điện tử đang là kênh quảng bá, bán sản phẩm được nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư. Mô hình này đã trở thành một trong những kênh có khả năng thúc đẩy bán hàng mạnh mẽ, ngày càng thu hút người sử dụng so với các phương thức bán hàng truyền thống. Với các trang thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng một cách thuận tiện, từ đó quảng bá, giới thiệu và bán hàng mà không phải tốn nhiều chi phí, nhân lực. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn, mua sắm, thanh toán một cách nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi thông qua các công cụ, ứng dụng thanh toán điện tử.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao từ 16-20%/năm. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Việt Nam được các tổ chức trên thế giới ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, việc phát triển thương mại điện tử gắn với thanh toán không tiền mặt mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Tác giả: Song Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây