Tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới

Thứ sáu - 29/12/2023 15:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) thì tại Việt Nam đã và đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Lực lượng công an kiểm tra một cửa hàng buôn bán các sản phẩm thuốc lá điện tử trên địa bàn TP.Biên Hòa
Lực lượng công an kiểm tra một cửa hàng buôn bán các sản phẩm thuốc lá điện tử trên địa bàn TP.Biên Hòa

Đặc điểm của thuốc lá mới

Thuốc lá điện tử, còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào.

Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc (hay đầu mồi) được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói cho người dùng có thể hít vào. Xét về nguyên liệu, thuốc lá nung nóng được chế biến theo quy trình đặc biệt từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường (sử dụng giấy, lá thuốc lá hoặc gỗ có tẩm nicotine). Lượng nicotine, thành phần các chất khác và sự độc hại không khác biệt đáng kể, tương đương với thuốc lá điếu thông thường.

Bên cạnh các tác hại tới sức khỏe như gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,… giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về môi trường, kinh tế, xã hội. Cụ thể:

Ảnh hưởng tới môi trường

Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Rác thải của bộ phận điện tử của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần. Các sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay còn thiếu hướng dẫn người dùng cách vứt bỏ sản phẩm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: hai phần ba lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá: trồng cây, sấy,...

Thêm vào đó, thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch..., quy trình dỡ bỏ, phân loại,… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine,...
Thuốc lá thế hệ mới gây ra nhiều hậu quả cho môi trường và xã hội
Thuốc lá thế hệ mới gây ra nhiều hậu quả cho môi trường và xã hội

Nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội

Nguy cơ phối trộn ma túy và các chất gây nghiện với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cao hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Rất nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng dẫn đến nghiện ma túy đều bắt nguồn từ việc sử dụng thuốc lá.

Ngoài ra, ở lứa tuổi thanh thiếu niên nghiện thuốc lá dẫn đến việc liên tục cần tiền để mua thuốc lá, khi không có tiền, không được thỏa mãn cơn nghiện sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm khác như trộm cắp, trấn lột,…

Ảnh hưởng tới an sinh xã hội, kinh tế và sự phát triển bền vững

Thuốc lá điện tử gây gánh nặng bệnh tật và chi phí liên quan đến bệnh tật lớn. Thuốc lá gây thiệt hại 500 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế thế giới. Không chỉ tốn chi phí y tế điều trị bệnh liên quan thuốc lá, mà bệnh tật còn làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo một số nghiên cứu, chi tiêu cho thuốc lá làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp. Một người hút thuốc trong một năm tiêu hết số tiền bằng 1/3 số tiền chi cho lương thực, gấp 1,5 lần so với chi cho giáo dục, gấp 5 lần chi phí y tế tính theo bình quân đầu người. Như vậy, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nghèo đói.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh, bảo vệ môi trường và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, người dân đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên nên thực hành lối sống lành mạnh, biết từ chối với những cám dỗ, nói không với thuốc lá và các sản phẩm độc hại.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2020-2023, nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đã được diễn ra.

Một số nghiên cứu khảo sát cho thấy, đã có 59,4% số dân biết về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật; 74,2% số người được hỏi tiếp cận thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá...

Trong giai đoạn tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều cách thực hiện khác nhau. Đồng thời, đổi mới công tác truyền thông để thu hút sự quan tâm và chú ý của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ.

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây