Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đồng Nai có 3 bệnh viện đang triển khai Trung tâm/Đơn vị Tim mạch can thiệp. Đó là 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) và 1 bệnh viện tư nhân (Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark).
Thành lập thêm 1 Đơn vị Tim mạch can thiệp
Theo PGS-TS-BS.Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh (đơn vị hỗ trợ Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark), tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200 ngàn người mỗi năm. Đặc biệt, những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… có nguy cơ xảy ra các biến cố về tim mạch hay bệnh lý tim mạch chuyển hóa càng cao. Do đó, việc triển khai được Trung tâm Tim mạch can thiệp tại địa phương sẽ giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội sống cao hơn.
Từ tháng 12-2020 đến nay, Trung tâm Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật, can thiệp, cứu sống nhiều bệnh nhân.
Cũng với mong muốn triển khai được Đơn vị Tim mạch can thiệp, suốt 3 năm qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chất lượng cao để giữa tháng 3-2022 có thể đưa vào hoạt động Đơn vị Tim mạch can thiệp trong khuôn viên bệnh viện.
BS CKII.Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, các bệnh lý về tim mạch là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu hiện nay, nhất là bệnh mạch vành. Đặc điểm của bệnh lý tim mạch là nếu được can thiệp càng sớm thì cơ hội sống của bệnh nhân càng cao và ngược lại. Thời gian qua, do chưa có Đơn vị Tim mạch can thiệp, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh phải chuyển từ 4-5 ca bệnh bị nhồi máu cơ tim lên các bệnh viện tuyến trên. Việc khu vực TP.Long Khánh và những địa phương lân cận chưa có Đơn vị Tim mạch can thiệp nào là thiệt thòi lớn đối với người dân địa phương.
Xuất phát từ mô hình bệnh tật tại địa phương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đặt ra mục tiêu sớm thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện, giúp người dân có cơ hội được điều trị sớm, mở ra cơ hội sống cao.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết thêm, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của bệnh viện. Song cũng mở ra nhiều cơ hội để bệnh viện có thể phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao mà trước đây chưa có cơ hội để thực hiện.
Cụ thể, bệnh viện triển khai được rất nhiều kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Phải kể đến như kỹ thuật mổ thay khớp toàn phần trên bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền. Với những trường hợp này, trước đây bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do chưa thực hiện được. Hay các kỹ thuật về vi phẫu, phẫu thuật cột sống, mổ điều trị gãy đốt sống cổ…với sự hỗ trợ của các chuyên gia ở TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, những kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực ngoại tổng quát, ngoại thần kinh cũng được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh triển khai thuần thục, hiệu quả.
Bệnh nhân được khám bệnh bởi chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa khu vực
Long Khánh.
Được khen thưởng đột xuất vì thành tích cứu người
Mới đây, Sở Y tế đã khen thưởng đột xuất đối với ThS-BS.Quản Minh Trị, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và tập thể Khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện vì có thành tích kịp thời phẫu thuật cứu sống thành công bệnh nhân bị vết thương thấu ngực trái thủng phổi.
Lãnh đạo Sở Y tế khen thưởng
y, bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai.
Theo ThS-BS Quản Minh Trị, trưa ngày 8-2, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam 40 tuổi do Công an đưa đến, không có người thân. Bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, máu từ vết thương phun ra rất nhiều. Bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc, vật vã, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt, nguy cơ tử vong cao.
Lúc này, các bác sĩ nghĩ ngay đến việc bệnh nhân có vết thương thấu ngực gây thủng phổi hoặc thủng các mạch máu lớn nên đã khẩn trương tiến hành hồi sức cho bệnh nhân và thực hiện các xét nghiệm, siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy trong ngực bệnh nhân có rất nhiều dịch, cần can thiệp gấp.
Trong khoảng 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành mở rộng vết thương, vô khoang ngực bệnh nhân và phát hiện ở thùy trên phổi trái của bệnh nhân có vết thương dài khoảng 3cm, máu phun ra rất nhiều. Trong ngực bệnh nhân có gần 4 lít máu (tương đương 80-90% máu của toàn cơ thể). Ê kíp đã tiến hành hút sạch máu trong lồng ngực, truyền 12 đơn vị máu và các chất cần thiết cho quá trình đông máu của bệnh nhân. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật kết thúc. Khoảng 5 giờ sau mổ, sinh hiệu của bệnh nhân ổn định, qua cơn nguy kịch. 5 ngày sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi phục tốt và được xuất viện.
Đến thời điểm này, một số cơ sở y tế trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh như thực hiện gói đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mới với các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến trên như: Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ…
Trong thời gian tới, một số bệnh viện trong tỉnh đang hướng tới thực hiện kỹ thuật cao là ghép tạng cho người, trước hết là ghép thận. Hiện, các đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, máy móc, đặc biệt là nhân lực để có thể triển khai được kỹ thuật này.
Bảo Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập