Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân: Xây dựng thương hiệu cho gỗ Việt

Thứ sáu - 25/03/2022 10:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đồng Nai là một trong 2 thủ phủ sản xuất gỗ lớn nhất trong cả nước, ngành gỗ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh nhà.

Để xây dựng được thương hiệu gỗ Việt mạnh trên thị trường, các DN phải liên kết lại với nhau tìm kế phát triển lâu dài. Ông LÊ XUÂN QUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

chu-24322.jpg?t=1752814360
                                                   Ông Lê Xuân Quân

Cơ hội khởi nghiệp ngành gỗ vẫn rộng mở

*Sản xuất gỗ đã qua được thách thức chưa, thưa ông?

- Lẽ dĩ nhiên, khó khăn chưa bao giờ kết thúc. Nhiều tháng trong năm 2021, không chỉ ngành gỗ mà các DN sản xuất, kinh doanh khác cũng rất lao đao. Có những thời điểm nhiều DN hội viên của chúng tôi chỉ còn phân nửa công nhân làm việc, thậm chí phải tạm ngưng sản xuất một thời gian vì quá nhiều người bị nhiễm Covid-19. Hiện nay khó khăn là đối mặt với nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất gỗ và giá cả các mặt hàng tăng cao, cùng với đó là cước phí vận chuyển “ăn mòn” lợi nhuận của DN. Những khó khăn lâu nay như: năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ và nhân lực đảm nhận khâu thiết kế sản phẩm. Việc xây dựng nhãn hàng riêng để xuất khẩu cũng khó khăn. Đó là chưa kể thị trường gỗ của Việt Nam ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu về bảo vệ môi trường… Những hạn chế đó làm giảm giá trị gia tăng của ngành gỗ.

*  Ông nhận định như thế nào về cơ hội khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đối với ngành sản xuất gỗ ở Việt Nam hiện nay?

- Cơ hội vẫn rất lớn khi ngành gỗ Việt Nam so với trước đây đã có vị thế hơn trên thị trường quốc tế. Đó cũng là sự thuận lợi nhất định cho các bạn trẻ khi theo đuổi ngành sản xuất này để xây dựng thương hiệu. Điều quan trọng là làm sao để thúc đẩy, khuyến khích họ. Đó là câu chuyện dài hơi, chúng tôi rất mong muốn báo chí góp phần tác động để cải thiện tình hình, đưa người trẻ đến gần hơn, quan tâm ngày càng nhiều hơn đến ngành sản xuất gỗ.

*Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác sẽ mang lại những thuận lợi và thử thách gì, thưa ông?

- Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có ảnh hưởng rất lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đến ngành chế biến gỗ. Đồng thời, tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay cũng là một vấn đề đáng quan tâm.

Chúng tôi đã bước đầu phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng các hiệp hội địa phương đề xuất các giải pháp xây dựng các hàng rào kỹ thuật trong sản xuất gỗ. Dowa sẽ tiếp tục truyền thông rộng rãi các đạo luật, quy định của thị trường quốc tế, Việt Nam để các DN hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Cần có thêm các khu, cụm công nghiệp cho ngành sản xuất gỗ

*  Thực tế là hầu hết các nhà máy sản xuất gỗ còn nằm phía ngoài khu, cụm công nghiệp, thậm chí xen kẽ khu dân cư. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Đây là một hạn chế đã tồn tại nhiều năm đối với ngành sản xuất gỗ trong tỉnh. Đồng Nai hiện có hàng ngàn DN chế biến gỗ nhưng chỉ có chưa đến 30% DN có nhà máy đặt trong các khu và cụm công nghiệp.

Dư địa phát triển ngành gỗ còn rất lớn nhưng thiếu mặt bằng cho sản xuất nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, đề xuất Chính phủ cũng như tỉnh cho phép nghiên cứu, quy hoạch một khu vực để xây dựng KCN tập trung cho ngành gỗ. Dự kiến sẽ có thêm một khu lâm nghiệp công nghệ cao với diện tích đủ lớn để có thể triển khai những giải pháp nhằm hiện đại hóa ngành sản xuất gỗ của Đồng Nai cũng như quy tụ các DN sản xuất có tên tuổi, đủ năng lực vào hoạt động.

*  Được biết, ông cũng như đại diện các DN ngành gỗ Đồng Nai đang đặt ra khẩu hiệu Kéo thế giới gỗ về Đồng Nai. Ông có thể chia sẻ rõ thêm quan điểm này?

- Đồng Nai là một trong 2 địa phương sản xuất, xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước. Điều đặc biệt, bên cạnh xuất khẩu thì còn có sự cân bằng của thị trường nội địa. Rất nhiều DN trong làng nghề gỗ Tân Hòa đang phát triển gỗ nội thất để phục vụ thị trường trong nước. Đồng Nai còn có những DN phân phối nguyên liệu gỗ có quy mô lớn. Những điều này có thể tạo điều kiện để nâng cao sức hấp dẫn của ngành sản xuất gỗ địa phương. Chúng tôi thực sự mong muốn xây dựng một sàn giao dịch điện tử, khu vực triển lãm, phân phối gỗ lớn cho cả nước và các nước trong khu vực nhằm khẳng định vị thế của ngành gỗ Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

                                                                                                Vi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây