Tăng dùng mạng xã hội - giảm kết nối gia đình

Thứ tư - 25/11/2020 20:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện nay, việc sử dụng MXH, phổ biến là Facebook, Zalo đã trở thành thói quen của nhiều người. Không ít người có thể “lướt” điện thoại thông minh mọi lúc, mọi nơi, chủ yếu dùng để chơi game, tán gẫu trên MXH nên không có nhiều thời gian quan tâm đến người thân xung quanh.

Bên cạnh mặt tích cực giúp mọi người dễ dàng liên hệ và kết nối với nhau, chia sẻ và tìm kiếm thông tin trong công việc, học tập và giải trí… thì việc lạm dụng MXH đang gây lãng phí thời gian của nhiều người, nhất là thời gian dành cho gia đình. Đây là thực trạng ngày càng phổ biến và đáng lo ngại.

Hinh bai Kim Lieu.jpg?t=1752814360

Thời gian rảnh, mẹ và con mỗi người mỗi máy tính bảng để lướt điện thoại. 

Lạm dụng MXH

Rất dễ bắt gặp hình ảnh người dùng điện thoại mãi mê dán mặt vào màn hình đến mức quên hết cả thế giới xung quanh mình. Tại khu vui chơi cho trẻ em, phía trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào chủ nhật ngày 15-11, có khá nhiều người đưa con tới vui chơi. Trong khi các bé chơi đùa thì cha, mẹ các bé ngồi chờ không nói chuyện với nhau mà ngồi bấm điện thoại. Một số người tập trung lướt điện thoại, thi thoảng mới ngẩng lên nhìn đến con để mặc cho con nhỏ tự chơi với xích đu, cầu tuột khá nguy hiểm, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi.

Đã có trường hợp khi ra nơi công cộng, cha mẹ mải tập trung vào điện thoại, không để ý đến con  khiến con bị kẻ xấu bắt cóc. Đơn cử như vụ việc xảy ra  chiều 21-8, anh N.V.H. (ngụ P.Khúc Xuyên, TP.Bắc Ninh) để lạc con là cháu N.C.G.B. (2 tuổi) tại công viên Hồ Điều Hòa (TP.Bắc Ninh). Theo một số tờ báo thông tin, trong lúc con chơi ở công viên, anh H. vừa ngồi xem điện thoại để giải quyết công việc, khoảng 5 phút, ngẩng đầu lên đã không thấy con đâu.

Anh Nguyễn Minh Phát (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, nơi công cộng, trong đó có công viên, khu trò chơi thường có đông người, nhiều thành phần nên khi cho con ra những nơi này vui chơi anh thường phải theo sát con, để con không đi lạc hay bị té ngã gây thương tích khi chơi đùa.

“Nhiều người than bận rộn, không có thời gian chơi với con, nhưng lúc rảnh rỗi lại “đốt cháy” thời gian của mình với MXH. Tôi cũng thường sử dụng MXH, nhưng mỗi ngày tôi dành 30-60 phút “đặc biệt”: không internet, không điện thoại, không máy tính để chơi với con, nghe con nói chuyện và dạy con những kỹ năng sống để vừa gắn kết tình cảm cha con vừa giúp con trẻ biết xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm” - anh Phát tâm sự.

TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục cho biết, một thực tế hiện nay, người ta tiêu tốn quá nhiều thời gian cho MXH và như thế tất nhiên sẽ lấy đi thời gian quan tâm đến người thân, bạn bè. Trong khi các mối quan hệ thân tình này luôn cần được quan tâm, lắng nghe, chia sẻ.

Thời MXH bùng nổ và “tấn công” vào các gia đình đã dẫn đến tình trạng phổ biến: ăn cùng MXH, ngủ cùng MXH, giải trí cùng MXH...  Không ít người rơi vào trạng thái cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Lý giải cho tình trạng này, TS Lê Minh Công cho biết, do trong gia đình, vợ chồng mỗi người đều bận rộn công việc, trong đó có các mối quan tâm trên MXH; các con có nhu cầu cần được lắng nghe, chia sẻ, dìu dắt, chơi cùng cha mẹ thì lại được “quăng” cho cái iPad, điện thoại thông minh. Ngay cả bữa cơm được xem là “sợi dây” gắn kết nhất của gia đình thì không ít nhà lại chọn kiểu mỗi người một tô, bưng về phòng của mình vừa ăn vừa lướt web, chat với bạn bè nên không có nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau”.

Nhờ cộng đồng mạng tư vấn chuyện gia đình

Không chỉ cập nhật “tất tần tật” những trạng thái của bản thân lên MXH mà nhiều người còn đưa cả những chuyện riêng tư, những lục đục, mâu thuẫn, bất đồng quan điểm trong gia đình, phần lớn là tình cảm vợ chồng lên MXH nhằm mục đích chia sẻ, nhờ cộng đồng mạng, bạn bè “hiến kế”  giải quyết. Thậm chí có người tổ chức đi đánh ghen và chia sẻ clip đánh ghen này lên MXH nhằm mục đích bôi nhọ tình địch. Tuy nhiên hành động này đã nhận những luồng ý kiến không đồng tình của cộng đồng mạng.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chị Trần Thanh Thảo (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc chia sẻ chuyện gia đình lên MXH là không nên, vì đây là chuyện riêng tư. Nhất là chuyện riêng của vợ chồng, người đăng phải cân nhắc  bởi nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình. Chưa kể các con khi biết cha mẹ bêu xấu nhau như thế sẽ dẫn đến tổn thương, mặc cảm với bạn bè...

Chia sẻ về cách sử dụng MXH của gia đình mình, anh Nguyễn Minh Luân (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, anh luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình về việc sử dụng MXH sao cho hiệu quả. Không gian mạng chỉ là nơi chia sẻ thông tin trên những lĩnh vực mình quan tâm, giao lưu, gắn kết với bạn bè. “Nguyên tắc chung là khi phát sinh vấn đề trong gia đình, vợ chồng, các con cùng nhau trao đổi cùng tìm hướng giải quyết, không đem chuyện nhà, dù vui hay buồn đăng lên MXH, tránh những rắc rối không đáng có. Đôi khi câu chuyện của gia đình mình bị biến thành đề tài để người khác bàn luận, soi mói” - anh Luân nói.

Nói về vấn đề này TS Lê Minh Công: “Chúng ta không đổ thừa cho công nghệ, bởi chủ thể giao tiếp chính vẫn là con người. Chọn cách sống ảo, kiểu giao tiếp ảo hay quá tin vào sự “giúp sức” của cộng đồng mạng sẽ khiến con người mất kết nối với chính mình. Như thế sức mạnh nội tâm sụt giảm, khi gặp biến cố sẽ không chịu đựng được áp lực, thiếu khả năng giải quyết vấn đề. Một khi đã mất kết nối với chính mình, rất dễ dẫn tới đổ vỡ mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh”.

MXH làm thay đổi văn hóa sống cũng đang ít nhiều gây ảnh hưởng đến gia đình. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cả nước trung bình có trên 60 ngàn vụ ly hôn/năm. Tỷ lệ này ở thành thị là 30%. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn rơi vào giới trẻ. Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về lối sống do ảnh hưởng từ MXH khiến nhiều bạn trẻ đang dần rời xa gia đình.

                                                                                                  Nhật Huy - Hạ Di

Box:

Theo thống kê của viện Nghiện cứ gia đình và giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội việt Nam), tính đến tháng 7-2020, Việt Nam có 64 triệu người dùng Faccbook, đứng thứ 7 về lượng người dùng MXH này trên thế giới. Tuy nhiên, một con số giật mình hơn, theo kháo sát gần đây điện thoại thông minh và Fecabook đang lấy 1/3 thời gian dành cho gia đình của các cặp vợ chồng trẻ thành thị. Theo khảo sát mới nhất, 94% người sử dụng điện thoại có kết nối internet dành thời gian vào MXH. Mạng ảo,  nhưng có khoảng 25 triệu hộ gia đình Việt đứng trước nguy cơ lỏng lẻo liên kết.​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây