Kỹ sư Nguyễn Cường Phi, giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đã thiết kế, chế tạo thành công xe vận chuyển nội bộ chạy bằng năng lượng mặt trời. Đây không chỉ là giải pháp phù hợp với xu hướng sử dụng “năng lượng sạch” mà còn giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí đầu tư. So với xe chạy bằng điện nhập khẩu từ Trung Quốc (cùng vận chuyển 4 người), sản phẩm do kỹ sư Phi làm ra có giá bán rẻ hơn 100 triệu đồng.
Kỹ sư Nguyễn Cường Phi trình bày dự án xe năng lượng mặt trời tại Hội nghị Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý năng lượng thông minh trên nền tảng IoT do Sở KH-CN tổ chức tháng 9-2020
Giá thành rẻ nhưng khó thay đổi thói quen của khách hàng
Qua khảo sát thị trường, kỹ sư Nguyễn Cường Phi (giảng viên Trường đại học Lạc Hồng) nhận thấy, hiện nay ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, các công viên, khu giải trí, sân golf, khu công nghiệp... thường sử dụng xe điện nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc với giá khoảng 250 triệu đồng/chiếc (vận chuyển được 4 người). Tuổi thọ pin điện của những chiếc xe này chỉ dùng được khoảng 3 năm.
Trong khi đó, xe chạy bằng năng lượng mặt trời hiện nay không còn là “món hàng xa xỉ” nhờ vào sự phát triển của công nghệ sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời. Mặt khác, nếu dùng xe chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Với thế mạnh về chế tạo máy và kế thừa những thành công từ các cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu, anh Phi đã thiết kế, chế tạo thành công xe vận chuyển nội bộ chạy bằng năng lượng mặt trời. Giá chuyển giao một chiếc xe năng lượng mặt trời do anh Phi thiết kế vào khoảng 150 triệu đồng. Tuổi thọ pin năng lượng mặt trời hơn 10 năm. Điều này cho thấy, xe năng lượng mặt trời vượt trội so với các phương án khác trong việc di chuyển nội bộ.
Anh Phi cho hay: “Rõ ràng, tiềm năng của thị trường về xe năng lượng mặt trời là rất lớn. Khách hàng mục tiêu của tôi là những resort, khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp, sân golf, trường học... Tuy nhiên, do bản thân chỉ có chuyên môn về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm tiếp thị, truyền thông để tiếp cận khách hàng nên hiện tôi mới chuyển giao được 2 xe cho 2 khách hàng”.
Không chỉ gặp khó trong cách tiếp cận khách hàng, một rào cản lớn mà anh Phi gặp phải là việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. “Biến cái biết của khách hàng thành cái hiểu và sự tin dùng là cả một quá trình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực tiếp cận khách hàng và sự cải tiến không ngừng nghỉ của dự án. Với tiềm lực nhỏ của bản thân, tôi chưa có ý định sản xuất thương mại hóa hay chuyển giao cho bên thứ 3 sản xuất mà chỉ làm theo đơn đặt hàng” - anh Phi cho biết thêm.
Sản phẩm thân thiện với môi trường
Kỹ sư Nguyễn Cường Phi trình bày dự án xe năng lượng mặt trời tại Hội nghị Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý năng lượng thông minh trên nền tảng IoT do Sở KH-CN tổ chức tháng 9-2020
Trước đây, khi nói về việc vận chuyển nội bộ, người ta nghĩ ngay đến xe dùng động cơ điện (xe điện), xe dùng động cơ đốt trong (xe dùng xăng, dầu, gas ...), ít ai nghĩ đến việc dùng xe sử dụng năng lượng mặt trời (xe năng lượng mặt trời).
“Hiện nay, mọi thứ đã khác. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency- IEA), điện mặt trời đã đạt khoảng 227 GW vào cuối năm 2015, tăng gấp 10 lần năm 2008 và chiếm hơn 1,3% tổng nhu cầu điện trên toàn cầu. Trong khi đó, Đồng Nai là nơi có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng điện mặt trời” - kỹ sư Phi cho biết.
Theo phân tích của anh Phi, Đồng Nai nằm ở vĩ độ thấp, gần xích đạo. Thời gian có nắng trung bình ở Đồng Nai chiếm khoảng 45-65% độ dài ban ngày (từ 4-9,5 giờ/ngày). Ngày có giờ nắng cao nhất không vượt quá 11,5 giờ (trong mùa khô). Tổng giờ nắng hằng năm đạt từ 2.500-2.860 giờ. Đồng Nai nằm trong khu vực có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, với trị số tổng xạ khá lớn từ 100-175 kcal/cm2/năm. Do đó, việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về tiềm năng khách hàng, anh Phi cho rằng, Đồng Nai có số lượng lớn nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái, sân golf, nơi công cộng (trường học, trung tâm hành chính...). Việc di chuyển nội bộ đòi hỏi phải thuận tiện, giảm khí thải, giảm chi phí và gắn liền với thiên nhiên. Đây cũng là những yêu cầu dần được nhiều đơn vị quan tâm.
“Việc ra đời xe năng lượng mặt trời là cấp thiết và là đáp án hoàn hảo cho những yêu cầu nói trên. Điểm đặc biệt nhất của xe này chính là khả năng lấy năng lượng mặt trời biến thành điện năng và nạp cho bộ ắc-quy của xe để nó có thể hoạt động. Trên mui xe có lắp 1 tấm pin quang điện và chúng có thể sạc điện đầy cho xe trong vòng 6 tiếng dưới điều kiện trời nắng. Với mỗi lần sạc đầy, xe có thể chạy được quãng đường hơn 40km, nhưng nếu chạy dưới trời có nắng thì quãng đường có thể tăng lên vì lúc này hệ thống nạp điện vẫn làm việc liên tục để nạp điện cho ắc-quy” - anh Phi hào hứng chia sẻ.
Theo thiết kế, tốc độ trung bình của xe vào khoảng 20km/giờ. Ở điều kiện lý tưởng là đường bằng phẳng và đầy bình điện thì nó có thể đạt tốc độ tối đa là 40km/giờ. Xe dùng để vận chuyển người trong các khu vực công cộng, mỗi lần vận chuyển 4 hành khách. Ưu điểm của xe là thân thiện với môi trường, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dễ vận hành, giảm chi phí khai thác. Tuy vậy, xe có nhược điểm là phụ thuộc vào thời tiết.
Hoàng Giang