(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng luôn quan tâm chỉ đạo, quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí, người làm báo được tăng cường…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cao tại Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2022
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải cao tại Giải báo chí về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2022
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng
Ngày 21-7-2022, Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 172-KH/TU về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh sau đó cũng ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND thực hiện kế hoạch nói trên của Ban TVTU.
Mục đích là nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm và tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.
Theo Hội Nhà báo tỉnh, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của báo chí cả nước, đội ngũ những người làm báo tiếp tục được nâng cao chất lượng chính trị, nghiệp vụ.
Hội Nhà báo tỉnh cũng sớm tổ chức sinh hoạt, quán triệt trong toàn thể hội viên các quy định trong Luật Báo chí năm 2016, gắn với việc triển khai thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ và đạo đức nghề báo cho đội ngũ những người làm báo được Hội Nhà báo tỉnh, các chi hội và các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, năng lực tác nghiệp của nhà báo ngày càng được hoàn thiện; đội ngũ nhà báo, hội viên thực hiện khá tốt Luật Báo chí và các quy định về đạo đức nghề nghiệp.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban báo chí
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban báo chí
Ý thức đầy đủ trách nhiệm xã hội
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh chia sẻ, sinh thời, khi nói về nghề báo, nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân - một trong những cây bút lão luyện trong những nhà báo cách mạng Việt Nam đúc rút: “Làm cái nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới nên nghề”. Để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao, người làm báo cần ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng ngòi bút để phản ánh vấn đề một cách khách quan.
“Đội ngũ người làm báo trong tỉnh cần tiếp tục không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của người làm báo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tổ chức tốt kỷ luật nội bộ, trong đó cần chú trọng xây dựng quy chế nội bộ, chăm lo tốt đời sống cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên; xây dựng thương hiệu cơ quan báo chí... Qua đó, giúp phóng viên, biên tập viên tránh được những rủi ro hay vi phạm pháp luật trong tác nghiệp” - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Tấn Linh cũng cho rằng, thời gian qua, vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí trong tỉnh ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Song báo chí cần tăng cường mạnh mẽ vai trò giám sát và phản biện xã hội. Báo chí không “tô hồng” quá mức, không “bôi đen” hiện thực mà phải năng động, sáng tạo, không ngại khó khăn để phản ảnh những vấn đề gai góc, được dư luận và người dân quan tâm. Tăng cường hơn nữa số lượng tin, bài có tính chất phát hiện các mô hình, nhân tố mới, hoặc những đóng góp, dự báo, hiến kế cho tỉnh để góp phần thúc đẩy sự phát triển.