Tái sản xuất, doanh nghiệp lo thiếu nguyên vật liệu

Thứ tư - 27/10/2021 11:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã quay trở lại hoạt động để phục vụ mùa sản xuất cuối năm. Tuy nhiên, DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau thời gian dài chống dịch.

Ngoài vấn đề thiếu lao động cho sản xuất thì khan hiếm nguyên vật liệu, giá hàng hóa, chi phí vận chuyển gia tăng là điều mà trong ngắn hạn, cộng đồng DN đang phải gánh chịu.

Nguyên liệu khan hiếm

Đối với ngành Da giày đã xuất hiện tình trạng rút đơn hàng của đối tác. Theo Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, nhiều đối tác đã rút đơn hàng do Việt Nam nhiều tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, các DN phải tạm ngừng sản xuất để phòng dịch. Trong khi đó, đơn hàng của ngành Da giày từ khi đàm phán đến lúc ký kết khoảng 6 tháng. Vì vậy, dù đã mở cửa sản xuất trở lại song cũng phải vài tháng nữa, các đơn hàng này mới có thể quay trở lại.

Theo ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty CP Giày dép cao su màu (Casum), công ty đã quay trở lại sản xuất ổn định một phần. Bên cạnh việc lo lắng về nguồn lao động bởi một số đã ngừng việc thì DN đang có những khó khăn từ thời gian tạm ngừng sản xuất đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đó là về nguồn nguyên vật liệu dự trữ, sự khan hiếm các loại hàng hóa đầu vào.

Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tương tự. Giá sắt thép có nhiều thời điểm tăng cao, cộng với vận chuyển khó khăn, nhiều đối tác, một số quốc gia khác hạn chế hoạt động để chống dịch nên nguồn cung ứng sụt giảm. Điều này dẫn tới giá thành nguyên, vật liệu tăng cao nhưng cũng khan hiếm hơn.

Là DN chuyên chế tạo máy phục vụ xử lý môi trường cho các DN trong và ngoài khu công nghiệp, các trang trại chăn nuôi, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Chín Chín (TP.Biên Hòa) Mai Thành Long cho hay, sau quãng thời gian hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh, hiện tại sản xuất của đơn vị đã được khôi phục. Các đơn hàng của đối tác đã quay trở lại và DN đang tăng công suất sản xuất, chế tạo. Vấn đề hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu, linh kiện máy móc khó khăn hơn so với trước.

Điều này cũng tương tự với Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (TP.Biên Hòa) chuyên cung ứng máy móc công nghiệp cho DN ngành Chế biến chế tạo. Theo ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc công ty, khó khăn trong nhập nguyên liệu, máy móc cũng là vấn đề cản trở DN hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch sản xuất của năm. Khi các DN sản xuất quay trở lại hoạt động, nhu cầu thay thế, sửa chữa, bảo trì hệ thống máy móc, dây chuyền là rất lớn, song vì khó khăn nói trên mà các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng bị ảnh hưởng theo.

Khó khăn vẫn còn phía trước

Trong bối cảnh khó khăn, các DN tìm cách ứng biến linh hoạt để có thể trụ lại, duy trì các hoạt động sản xuất, bàn giao đơn hàng cho đối tác, tuy nhiên về ngắn hạn chưa dễ giải quyết, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa, bởi còn chịu tác động từ biến động của thế giới.

Đầu tiên là vấn đề giá cước vận tải. Đối với các DN làm hàng xuất khẩu, tình trạng chung là thiếu container rỗng, chi phí thuê container tăng cao, giá cước vận tải biển tăng từ 2-4 lần. Điều này dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm xuất khẩu trong 1 container không bằng chi phí thuê và vận chuyển container (giá cước vận tải tới cảng bờ Đông nước Mỹ trong tháng 9 đã lên tới 18-20 ngàn USD/container), dẫn đến đội giá thành, mất đi sự cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế; đồng thời, cũng kéo theo sự tăng giá của vận tải trong nước.

Một vấn đề khác đang nổi lên gần đây theo các chuyên gia kinh tế là tình hình thiếu điện tại Trung Quốc tác động đến công xưởng sản xuất hàng hóa, thiết bị đầu vào của cả thế giới nên rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng theo. Khan hiếm điện đã làm trầm trọng thêm vấn nạn ách tắc chuỗi cung ứng và khiến cho giá hàng hóa của nhiều khu vực trên thế giới tăng cao. Những nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã gia tăng, bao gồm biến chủng Delta, những gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát leo thang, đặc biệt là sự tăng giá thực phẩm và nhiên liệu. Trong chuỗi ảnh hưởng liên hoàn này, các quốc gia đã và đang phát triển như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn vì chưa thể chủ động nguồn cung nguyên liệu. 

                                                                            Nam Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây