Khó khăn về nguồn lao động được xem là một trong những trở lực lớn nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiện nay. Chính vì vậy, nếu không giải quyết được điểm nghẽn này, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư sẽ rất khó đạt được kết quả như kỳ vọng.
Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt hiện cũng gặp khó khăn về nguồn lao động để thực hiện tăng ca đẩy nhanh tiến độ.
Khan hiểm nguồn lao động
Kết thúc quý III-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 40%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu giải ngân đạt 60% nguồn vốn đầu tư công mà tỉnh đặt ra. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này chính là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, để tăng tốc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn, việc thực hiện tăng ca ở các công trường xây dựng là một trong những giải pháp cấp bách. Tuy nhiên, việc khan hiếm trầm trọng nguồn lao động đang khiến cho giải pháp này khó có thể thực hiện được.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, nguồn lao động tại các công trường xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh chủ yếu đến từ các địa phương khác trong cả nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một lượng lớn lao động tại các công trình đã trở về quê. Hiện nay, số lượng lao động trở lại làm việc tại các công trường cũng chưa nhiều. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc thực hiện tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công hiện nay. “Các đơn vị trúng thầu các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh phần lớn là các đơn vị ở các địa phương khác. Do đó, lực lượng công nhân thi công cũng đến từ nhiều nơi ở các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ. Do đó, vấn đề nguồn nhân lực thi công các công trình hiện nay rất khó khăn. Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì rất khó đẩy nhanh tiến độ các dự án”- ông Hồ Văn Hà cho hay.
Ông Nguyễn Bắc Nam, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Tổng công ty xây dựng số 1, nhà thầu thi công gói thầu số 7, dự án cải tạo, nâng cấp đường 768 (đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767, TT.Vĩnh An. H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát có khoảng 50 công nhân tham gia thi công. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, số lượng công nhân thi công giảm chỉ còn chưa đến 30 người. Trong vòng nửa tháng qua, để phục vụ mục tiêu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị cũng đã thực hiện tuyển thêm công nhân để tăng cường thi công trên công trường. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, bổ sung thêm công nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Bắc Nam, hiện nay nhu cầu về quê của phần lớn người lao động vẫn còn rất lớn nên việc tuyển thêm công nhân cho công trường là rất khó khăn. “Chúng tôi cũng đã sử dụng nhiều kênh tìm kiếm như đăng thông báo tuyến dụng, tìm kiếm thông qua mối quan hệ của lực lượng công nhân đang tham gia thi công trên công trường nhưng hiệu quả không cao. Hiện này cũng chỉ mới tuyển thêm chưa tới 10 lao động mới. Trong khi đó, việc huy động công nhân từ các địa bàn khác đến Đồng Nai cũng rất khó khăn do người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh”- ông Nguyễn Bắc Nam cho hay.
Tương tự, từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị thi công dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, TP. Biên Hòa cũng đã tiến hành tuyển dụng thêm lao động để phục vụ thi công công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà thầu vẫn chưa thể tuyển dụng thêm được lao động nào. “Thời điểm trước đây, trên toàn công trường có khoảng 60 công nhân, kỹ sư tham gia thi công. Khi địa phương thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 thì lực lượng lao động tại công trường chỉ còn khoảng 20 người, giảm khoảng 2/3 so với trước. Do đó, chúng tôi cũng đã thực hiện tuyển dụng thêm lao động để tăng cường thi công nhưng đến thời điểm này vẫn chưa tuyển được lao động nào”- Ông Ngô Đông Chí, Giám đốc Ban điều hành liên doanh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 và Công ty TNHH Phúc Hiếu, nhà thầu thi công dự án cho biết.
Công nhân thi công công trình xây dựng Trung tâm hành chính công TP.Biên Hòa
Cần chính sách ưu tiên để thu hút lao động
Theo ông Hồ Văn Hà, hiện nay, tại các công trình xây dựng thuộc các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, lực lượng công nhân đa phần đều đã được tiêm vaccine Covid-19 để phục vụ thi công. Đây cũng là một trong những ưu tiên của tỉnh để hỗ trợ các nhà thầu xây dựng vừa có thể đẩy nhanh tiến độ dự án vừa đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, đối với lực lượng lao động tự do đã trở về các địa phương, nhất là các địa phương vùng xanh, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 còn đạt thấp. Đây chính là một trong những khó khăn khiến cho số lượng lao động trở lại làm việc tại công trường xây dựng còn rất thấp.
Chính vì vậy, để thu hút lực lượng lao động tự do trở lại làm việc, ông Hồ Văn Hà cho rằng trong các đợt thực hiện tiêm phòng vaccine Covid-19 thời gian tới cần có sự ưu tiên để tiêm phòng cho lực lượng này.
Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, thị trường lao động hoạt động theo cơ chế cung cầu. Do đó, về nguyên tắc, các nhà thầu xây dựng phải tự chủ động về nguồn lao động để đáp ứng tiến độ thi công. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đơn vị cũng đã có kiến nghị để hỗ trợ các nhà thầu, nhất là trong công tác tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người lao động. Ngay từ cuối tháng 9-2021, để thực hiện mục tiêu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu xây dựng kế hoạch tăng ca, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong đó, đơn vị cũng đã yêu cầu các nhà thầu thống kê, rà soát số lượng công nhân sẽ bổ sung tại các công trình để đăng ký tiêm phòng vaccine Covid-19 đối với lực lượng công nhân tăng thêm.
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập