Sau hơn 1 tháng phát động và tổ chức, hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Ðồng Nai năm 2018 do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức đã khép lại. Hội thi đã thu hút đông đảo tài tử, cải lương khắp các huyện, thị xã và TP. Biên Hòa tham gia tạo nên một sức sống mới cho những giá trị văn hóa truyền thống, vun đắp tình yêu và đam mê cho các nghệ sĩ tài tử, cải lương.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tôn Thị Thanh Tình cho biết: Mặc dù hội thi mang tính chất “phong trào” nghệ thuật quần chúng nhưng được Ban tổ chức “chăm chút” rất kỹ lưỡng, từ khâu tuyển chọn thí sinh qua các vòng thi, bố trí sân khấu đến thành phần giám khảo. Trải qua nhiều vòng thi, hội thi luôn thu hút đông đảo khán giả yêu thích và đam mê đờn ca tài tử (ÐCTT) theo dõi, ủng hộ. Ðây là những tín hiệu vui cho một loại hình nghệ thuật truyền thống đã và đang lan tỏa sâu rộng trong đời sống văn hóa của cộng đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tôn Thị Thanh Tình trao giải nhất cho thí sinh Phạm Thị Thanh Mai.
Từng tham gia nhiều liên hoan, hội diễn của tỉnh và khu vực nhưng khi được xướng tên ở thứ hạng cao nhất trong hội thi, thí sinh Phạm Thị Thanh Mai đã không giấu nổi xúc động: “Tôi rất bất ngờ và vui không thể diễn tả được khi mình giành được giải nhất hội thi. Tôi đã chăm chỉ học ÐCTT từ 5 năm trước. Ðến với hội thi mục đích chính của tôi là để học hỏi kinh nghiệm từ các cô chú, anh chị đi trước. Giải thưởng sẽ là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn trong nuôi dưỡng niềm đam mê ÐCTT”.
Vượt hơn 60km để đến với vòng chung kết hội thi, anh Lê Quốc Thái (xã Bảo Quang, TX. Long Khánh) hào hứng kể, mặc dù công việc của “nhà nông” chiếm nhiều thời gian, nhưng vì yêu mến ÐCTT từ lâu nên khi hay tin có hội thi, anh đăng ký tham gia liền. “Từ lâu, tôi đã mê ÐCTT. Ở nhà, tôi vẫn thường ca hát cùng bạn bè, hàng xóm vào những lúc rảnh rỗi, luyện ngón đờn qua các buổi sinh hoạt văn nghệ ở địa phương. Cứ thế, tôi biết đờn, biết ca rồi học thêm từ bạn bè và trên đài, ti vi… Tôi mong những hội thi như thế này được tổ chức thường xuyên để nhiều người, nhất là những nông dân như tôi được giao lưu, học hỏi thêm về ÐCTT của quê hương mình”, anh Thái nói.
Theo nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, thực hiện Ðề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ÐCTT Nam bộ trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thời gian gần đây, ngành Văn hóa đã tổ chức nhiều hoạt động: khảo sát, hội thi, hội diễn, giao lưu… ÐCTT. Ông thực sự vui khi hội thi Giọng ca tài tử và cải lương có số lượng thí sinh đăng ký tham gia đông. Hội thi xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, có giọng ca hay và triển vọng như: Thanh Mai, Thanh Tuyền, Thu Hồng... Ðiều đó chứng tỏ, Ðồng Nai vẫn có đông người trẻ “mộ điệu” bộ môn nghệ thuật này. Họ là những “hạt nhân” nòng cốt cho phong trào ÐCTT - cải lương, khi loại hình này đang dần thiếu vắng khán giả.
“Thật sự trân trọng tình cảm yêu mến của những thí sinh khi đến với hội thi. Chính tình yêu lớn đối với ÐCTT đã làm nên sự chuyên nghiệp trong các tiết mục. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi ngày càng có nhiều người trẻ phát huy năng khiếu của mình về loại hình nghệ thuật ÐCTT”, nghệ nhân Phạm Lơ chia sẻ.
Hội thi khép lại, giá trị những giải thưởng không cao nhưng đó là niềm khích lệ, động viên và thắp thêm lửa cho tình yêu âm nhạc truyền thống của các thí sinh. Và trong ánh mắt họ luôn chứa đựng những hy vọng, đam mê và khát khao gìn giữ, lan tỏa những giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Tối 28-7, tại Trung tâm Văn hóa - thể thao TP. Biên Hòa đã diễn ra vòng chung kết hội thi Giọng ca tài tử và cải lương tỉnh Đồng Nai năm 2018.
13 thí sinh đến từ các huyện, thị và TP. Biên Hòa đã thể hiện 1 trong 20 bài bản tổ và 2 câu vọng cổ. Ban tổ chức đã trao các giải nhất, nhì, ba và giải phụ cho các thí sinh tham gia. Trong đó, giải nhất thuộc về thí sinh Phạm Thị Thanh Mai (TP. Biên Hòa); 3 giải nhì thuộc về các thí sinh Lý Thị Thanh Tuyền (huyện Cẩm Mỹ), Nguyễn Thị Kim Yến (huyện Thống Nhất) và Phạm Thu Hồng (TP. Biên Hòa).
My Ny
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập