Quy trình báo động đỏ tại bệnh viện: Khẩn trương, trách nhiệm hơn

Thứ ba - 24/07/2018 21:27
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Từ đầu năm đến nay, hai bệnh viện (BV) tuyến tỉnh là Bệnh viện đa khoa (BVÐK) Ðồng Nai và BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai đã áp dụng quy trình “Báo động đỏ” nội viện vào cứu chữa cho những ca bệnh nặng. Nhờ đó, nhiều ca bệnh “thập tử nhất sinh” đã được cứu sống.

Cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch

Ðầu tháng 7-2018, cụ bà Nguyễn Thị Hội (85 tuổi, ở xã Bình Minh, Trảng Bom) bị xe tải cán qua người phải nhập viện cấp cứu tại BVÐK Thống Nhất Ðồng Nai. Các bác sĩ nhận định đây là ca bệnh rất nặng do bệnh nhân tuổi cao và bị đa chấn thương. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị sốc chấn thương, mạch và huyết áp tụt, choáng, mất nhiều máu, dập nát cánh tay trái, cẳng chân trái và một phần cẳng chân phải. Trước tình hình nguy kịch, ngay lập tức chuông điện thoại báo động đỏ được truyền đến các chuyên khoa liên quan và bệnh nhân được đưa ngay lên phòng mổ. BS. Ngô Ðăng Hoan, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho hay, để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ cẳng chân trái, cánh tay trái và một phần cẳng chân phải bị dập nát. “Bệnh nhân bị mất rất nhiều máu, chúng tôi phải truyền đến 7,7 lít máu (22 đơn vị máu). Ca phẫu thuật kéo dài suốt 4 giờ. Sau 2 ngày, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nói chuyện được. Tuy nhiên, bệnh nhân lớn tuổi và bị cắt cụt các chi nên cần được chăm sóc và theo dõi lâu dài”, BS. Hoan kể lại.


Một bệnh nhân bị đa chấn thương được cứu sống bằng quy trình báo động đỏ tại BVĐK Thống Nhất.

Trên đây chỉ là một trong nhiều ca bệnh nhân nặng được cấp cứu bằng quy trình báo động đỏ ở BV tuyến tỉnh. Ca gần đây nhất, một bệnh nhân bị đa chấn thương: vỡ gan, lách, gãy khung chậu, sốc, choáng, mạch nhanh nhỏ, huyết áp không đo được… đã được đưa vào cấp cứu tại BVÐK Ðồng Nai. Trước tình trạng nặng của bệnh nhân, chuông báo động đỏ vang lên, các bác sĩ đã nhanh chóng có mặt để cấp cứu, đưa bệnh nhân lên phòng mổ kịp thời. “Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, chúng tôi gồm nhiều bác sĩ từ các chuyên khoa như huyết học, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, khoa ngoại tổng quát, ngoại chấn thương chỉnh hình… đã có mặt để hội chẩn và đưa bệnh nhân lên phòng mổ. Do bệnh nhân tổn thương đa cơ quan, các bác sĩ phải phối hợp rất ăn ý trong việc chữa trị”, BS. Tần Quốc Vỹ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BVÐK Ðồng Nai cho biết.

Theo BS. Vỹ, trước đây, để cấp cứu các ca bệnh nguy kịch, BV thường mời lần lượt các chuyên khoa khi phát hiện tổn thương. Còn hiện nay, quy trình báo động đỏ có ưu điểm là huy động được tất cả các chuyên khoa có mặt cùng lúc, nhanh nhất để hội chẩn, cứu sống bệnh nhân. Các ca bệnh sử dụng quy trình này là những trường hợp nguy kịch, nguy hiểm tính mạng nếu không xử lý kịp thời. Vì vậy, các bác sĩ tham gia cũng chịu áp lực nhiều hơn.

Có mặt kịp thời

Tính riêng tại BVÐK Ðồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2018, có 37 ca bệnh nặng, đa chấn thương từ các vụ tai nạn giao thông, lao động; tự tử; đánh nhau; sản giật; nhau bong non… được cứu sống bằng quy trình báo động đỏ. BS. Ðặng Hà Hữu Phước, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVÐK Ðồng Nai cho biết, với các ca bệnh nguy kịch, trước đây, BV vẫn tiến hành hội chẩn (thảo luận giữa nhiều bác sĩ về tình trạng bệnh của người bệnh để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời) để cấp cứu bệnh nhân. Hiện nay, quy trình báo động đỏ mang tính cấp cứu khẩn trương hơn so với hội chẩn. Các bác sĩ chuyên khoa khi nhận được báo hiệu, ngay lập tức (không quá 5 phút) phải có mặt để cấp cứu bệnh nhân. “Nhiều ca, các bác sĩ vừa chẩn đoán, vừa điều trị ngay tại phòng mổ. Nhờ vậy, trên 50% tổng số các ca nhập viện chữa trị bằng quy trình báo động đỏ được cứu sống”, BS. Hữu Phước nói.

Tại Khoa Cấp cứu của BVÐK Ðồng Nai, khi gặp các ca bệnh cần phải báo động đỏ, hệ thống loa sẽ được bật. Khoa Cấp cứu sẽ thông báo cụ thể các chuyên khoa cần tham gia cấp cứu cho bệnh nhân. Lúc này, các bác sĩ trực chính sẽ có mặt tại Khoa Cấp cứu trong vòng vài phút. Ðể cứu sống bệnh nhân theo quy trình báo động đỏ, BV phải huy động nhiều y, bác sĩ và ít nhất là 2 chuyên khoa trở lên tham gia. “Mọi người sẽ phải khẩn trương hơn, trách nhiệm hơn khi nhận được báo động đỏ. Ðặc biệt, việc lấy máu, xét nghiệm và đưa máu lên phòng mổ được thực hiện trong vòng không quá 20 phút đảm bảo thời gian nhanh nhất có thể để cứu chữa bệnh nhân”, BS. Lương nói.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây