Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục mầm non tỉnh Đồng Nai trong 5 năm qua là đã thực hiện thành công chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Nhờ thực hiện chuyên đề này, các trường mầm non đã được đầu tư thêm nhiều đồ dùng, đồ chơi; tạo nhiều sân chơi cả trong và ngoài lớp học. Qua đó, trẻ có nhiều sân chơi để phát triển kỹ năng của bản thân.
Học sinh Trường Mầm non Ánh Dương (phường Bảo Vinh, TP. Long Khánh) làm quen với chữ cái thông qua bảng điện tử được Sở GD-ĐT trang bị
Thêm nhiều không gian trải nghiệm cho trẻ
Trường Mầm non Long Thành (H.Long Thành) là 1 trong 4 trường được chọn làm điểm của tỉnh về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Trước khi thực hiện chuyên đề này, trường thiếu các mảng xanh, thiếu đồ chơi tự tạo, thiếu đồ chơi và các khu vực vui chơi giúp trẻ khám phá, trải nghiệm…
Tháng 11-2017, trường bắt đầu được đầu tư mạnh để thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Ngoài số tiền 200 triệu do UBND huyện đầu tư để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, hội phụ huynh, các mạnh thường quân cũng góp sức, góp của để nhà trường thực hiện thành công chuyên đề này. Kể từ khi được đầu tư, Trường Mầm non Long Thành đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của mình theo hướng thân thiện hơn với học trò.
Trường Mầm non Ánh Dương (P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) là điển hình tiêu biểu trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Chỉ trong vòng 5 năm, “Bộ mặt” của nhà trường đã hoàn toàn thay đổi. Từ một ngôi trường mới được xây dựng có rất ít cây xanh, hầu như thiếu vắng các góc hoạt động ngoài trời cho trẻ. Đến nay, trường đã được phủ bởi 1 màu xanh mát. Trong sân trường, trẻ có rất nhiều góc hoạt động: khu vực sân khấu ca nhạc cho những trẻ đam mê ca hát; khu chợ quê cho các bé trải nghiệm hoạt động mua bán; khu thư viện cho trẻ vào “Đọc” sách…
Để có được diện mạo ấy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thiết kế chi tiết các góc hoạt động ở sân trường theo tiêu chí giúp trẻ vừa được gần gũi thiên nhiên vừa được làm quen với môi trường của 1 xã hội thu nhỏ...
«Nếu không có phụ huynh thì dù kế hoạch của trường có hay cách mấy cũng khó xây dựng được môi trường giáo dục phù hợp cho trẻ. Ở đây, phụ huynh không chỉ đóng góp tiền mà còn ủng hộ cả tinh thần, công sức nữa», cô Sái Thị Là, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương chia sẻ.
Nói về việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, bà Trương Thị Thủy Ngân, Trưởng phòng nghiệp vụ 2 (Sở GD-ĐT) phấn khởi cho rằng: «Điểm nổi bật và dễ nhận thấy của chuyên đề này là đã tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, từ đó nhà trường phối hợp với phụ huynh để thực hiện, làm thay đổi môi trường trong và ngoài lớp học một cách ngoạn mục».
Tạo cơ hội cho trẻ phát triển toàn diện
Trong 2 năm đầu của chuyên đề, các trường chủ yếu tâp trung đầu tư, cải tạo cảnh quan trong và ngoài lớp học. Kể từ năm thứ 3, các trường bắt đầu tập trung nhiều hơn cho hoạt động giáo dục, khai thác hiệu quả các cảnh quan, góc học tập, vui chơi… đã được đầu tư.
Để thực hiện tốt chuyên đề, các giáo viên được trang bị, phổ biến bộ “Tiêu chí thực hành, áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non”. Tất cả các nhóm, lớp rà soát thực trạng theo tiêu chí xây dựng lớp học lấy trẻ làm trung tâm, sử dụng bộ tiêu chí nêu trên để làm công cụ hỗ trợ xây dựng các kế hoạch dạy học.
Theo đó, giáo viên chủ động trong việc lập kế hoạch, lựa chọn chủ đề, đề tài, sáng tạo các hoạt động, trò chơi, hình thức tổ chức linh hoạt, hướng đến mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ.
Chẳng hạn, để thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, Trường Mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) đã phối hợp với 1 đơn vị bộ đội để tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo độ tuổi 4, 5 tuổi tham gia. Theo đó, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kết nghĩa đã trực tiếp hướng dẫn cho trẻ nhiều hoạt động như: Tập luyện thể dục, thể thao; chăm sóc vườn rau xanh; kỹ năng tự phục vụ (xếp chăn gối, quần áo, tự dọn cơm...); cách chăm sóc các loại vật nuôi trong gia đình... Sự tham gia của các chiến sĩ bộ đội đã đem đến «Luồng gió mới» cho lớp học. Vì thế, không khí lớp học trở nên sôi nổi, hào hứng hẳn lên. Trẻ cũng rất hợp tác tham gia các hoạt động này.
«Từ các hoạt động vui chơi, giáo viên phải biết cách đặt các câu hỏi mang tính gợi mở để kích thích tư duy của trẻ. Khi thực hiện chuyên đề này, trẻ thực sự được làm trung tâm của mọi hoạt động. Khi nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ được thỏa mãn thì trẻ sẽ được phát triển toàn diện», bà Trương Thị Thủy Ngân cho hay.
Hoàng Giang