Huyện Xuân Lộc có tổng diện tích rừng trên 12.170 ha. Khí hậu nơi đây chịu ảnh hưởng của vùng cực Nam - Trung bộ, thời gian cao điểm của mùa khô thường nắng nóng gắt, khô hanh kéo dài. Với quyết tâm không để xảy ra cháy, mùa khô 2018 - 2019, Đảng ủy, UBND huyện Xuân Lộc tiếp tục quan tâm chỉ đạo ráo riết đến các cơ quan đơn vị chủ rừng trong công tác tuần tra, chốt trực, tuyên truyền nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
Làm tốt công tác phối hợp
Mới đây, theo đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, chúng tôi đến thăm hai phân trường: Gia Phu và Đầm Voi (thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc). Nơi đây giáp ranh với huyện Hàm Tân và huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) nên chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt, mùa mưa ngắn, mùa nắng kéo dài, khô hanh nên cây rừng thường khô héo. Hơn nữa, hai phân trường lại nằm ở vùng sâu vùng xa, nắng bụi mưa lầy, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng, những năm qua, các nhân viên bảo vệ rừng vẫn quyết tâm bám trụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nói về công tác phòng, chống cháy rừng, anh Nguyễn Văn Trượng (nhân viên bảo vệ rừng Phân trường Đầm Voi) chia sẻ, ngay từ sáng sớm, các anh đã chạy xe máy vào rừng sâu để canh trực phòng, chống cháy theo kế hoạch đã phân công, đến trưa các anh mới trở về phân trường ăn vội cơm rồi quay trở lại trực tiếp chứ không được nghỉ ngơi. Những người phân công trực trên chòi cao 25m thì mang cơm trưa theo ăn và canh trực từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều, sau đó đi tuần tra, nhắc nhở tuyên truyền các hộ dân sinh sống trong lâm phận cùng phối hợp làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đi kiểm tra công tác PCCCR tại BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm, phân trường phụ trách địa bàn với tổng diện tích 2.100 ha rừng, trong đó phân ra 3 tiểu khu: 209, 210, 211. Với địa bàn rộng lớn và là “điểm nóng” về nguy cơ cháy rừng vào mùa khô nên ngoài lực lượng viên chức thì phân trường còn hợp đồng thêm 4 người dân để cùng tham gia công tác phòng, chống cháy. “Hiện đang vào đỉnh điểm mùa khô nên chúng tôi chịu nhiều áp lực trong việc triển khai công tác PCCCR. Tuy nhiên, các anh em động viên nhau là không được lơ là và phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó”, anh Phúc tâm sự.
Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Đặng Khánh Tài cho biết, đơn vị xác định, PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ rừng nên đã chủ động triển khai thực hiện các phương án ngay từ rất sớm. Cụ thể, đơn vị đã thành lập Ban chỉ huy PCCCR do Giám đốc BQL làm trưởng ban và thành lập các Tổ chỉ huy PCCCR tại các phân trường, do Phân trường trưởng làm tổ trưởng. Lực lượng nòng cốt PCCCR tại chỗ là cán bộ, viên chức ở các phân trường và lực lượng cán bộ, viên chức ở khối văn phòng BQL được tăng cường để chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn thực hiện công tác PCCCR. Bên cạnh đó, còn có các tổ trưởng Lâm nghiệp cộng đồng (gồm 25 người), các hộ trong lâm phận, lực lượng tổ an ninh, dân phòng của địa phương luôn sẵn sàng tham gia thực hiện PCCCR. Ngoài ra, vào thời gian cao điểm, một số phân trường còn thành lập tổ tự quản PCCCR từ 7 - 10 người, chủ yếu là người dân sử dụng đất tại chỗ có sức khỏe, tinh thần phục vụ nhiệt tình vì cộng đồng; BQL còn hợp đồng thêm lao động để tuần tra canh trực phòng chống cháy.
Chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được đơn vị thực hiện ngay từ đầu mùa khô kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tại các phân trường đều bố trí trực chòi canh quan sát lửa rừng trên địa bàn quản lý và vùng lân cận, đồng thời bố trí lực lượng tại các tiểu khu, nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra mặt đất để kiểm soát người ra vào rừng, tuyên truyền, hướng dẫn thi công xử lý thực bì, làm đường ranh cản lửa. Ngoài ra, đơn vị còn chú trọng tuyên truyền pháp luật đến người dân về công tác PCCCR; xử lý thực bì, lập đường băng cản lửa, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dụng cụ phòng chống cháy cũng đạt nhiều kết quả tốt. Nhờ vậy, đến nay lâm phận chưa để xảy ra cháy rừng.
Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX. Long Khánh Dương Văn Tài cho biết, hiện trên địa bàn huyện Xuân Lộc có 2 đơn vị chủ rừng là BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý gần 10.400 ha rừng (hơn 10.000 ha thuộc địa phận Đồng Nai và gần 350 ha thuộc tỉnh Bình Thuận) và BQL và bảo vệ rừng, di tích quốc gia Núi Chứa Chan với diện tích trên 1.793 ha. Mỗi nơi có những đặc thù nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc trực tiếp xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và PCCCR riêng để thực hiện trên toàn địa bàn quản lý. Còn núi Chứa Chan là do lực lượng Hạt kiểm lâm phối hợp với BQL di tích trực tiếp quản lý, bảo vệ (còn gọi là BQL và bảo vệ rừng, di tích quốc gia Núi Chứa Chan). Núi Chứa Chan có nhiều đá lộ thiên, lắm dốc cao và khe suối sâu nên việc đi lại rất khó khăn, hiểm trở. Mặc dù vậy, mùa khô năm nay, Hạt kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương tăng cường công tác tuần tra trên núi, với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.
Chốt trực phòng, chống cháy rừng tại Phân trường Đầm Voi.
Đặc trưng của núi Chứa Chan là có trảng cỏ rộng lớn và sậy, đót mọc rất nhiều; cứ 2 năm người dân lại lên núi để chặt cây đót, trong khi năm nay lại đến mùa đót, khiến công tác PCCCR gặp khó khăn. Về phương án lâu dài, Hạt đã tham mưu cấp trên về việc trồng rừng phủ xanh các trảng cỏ. Năm nay, huyện Xuân Lộc đã duyệt kinh phí và tiến hành thực hiện ngay công tác phát dọn đường băng cản lửa. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ dân có rẫy giáp ranh với rừng trong việc sử dụng lửa vào thời điểm phù hợp; cắm các biển cấm, pa-nô dọc theo các con đường lên núi để người dân, khách tham quan nhìn thấy và chấp hành về bảo vệ rừng và PCCCR; phối hợp với bên dịch vụ du lịch cáp treo tuyên truyền qua loa phát thanh đối với người dân đi chùa trên núi. Ngoài ra, đơn vị đã làm việc với các hộ giữ xe ở dưới chân núi Chứa Chan, đối với những khách đi phượt và ở qua đêm thì cần được lập danh sách, tên, giấy chứng minh, số xe… để quản lý chặt chẽ. “Hiện nay, công tác phối hợp giữa chủ rừng với Hạt kiểm lâm rất tốt. Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập được Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp để chỉ đạo về công tác PCCCR ngay từ đầu năm; vào cao điểm mùa khô, huyện bố trí lực lượng trực 24/24. Nhờ vậy, công tác PCCCR vẫn được đảm bảo”, ông Dương Văn Tài nói.
Chuẩn bị phương án tác chiến chữa cháy tại chỗ
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng (Trưởng đoàn kiểm tra) cho biết, mặc dù mùa khô năm nay đến muộn nhưng diễn biến phức tạp và nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, vì dự báo nguy cơ cháy rừng ở Đồng Nai hiện đang ở cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, Công tác PCCCR đã được chuẩn bị ngay từ cuối mùa mưa năm 2018 và mang lại kết quả tốt, nhất là đã yêu cầu các chủ rừng xây dựng được phương án PCCCR, phương án tác chiến PCCCR. Hiện các phương án đã được phê duyệt và các chủ rừng đã triển khai hiệu quả; thậm chí có nhiều đơn vị triển khai và hoàn thành 100% các hạng mục, như: hệ thống đường băng cản lửa, tổ chức được hệ thống về dự báo cháy rừng; trực, tuần tra rừng nghiêm ngặt… Từ cấp tỉnh cho đến các địa phương đã chủ động mọi tình huống và chuẩn bị phương án tác chiến chữa cháy; khi có đám cháy xảy ra thì lực lượng tại chỗ sẽ xử lý nhanh và dập tắt đám cháy kịp thời”, ông Dũng nói.
Thành Nhân
Tác giả: Lê Thành Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập