Cùng với quá trình đô thị hóa, dưới sự tác động của thiên nhiên, con người, nhiều ngôi nhà, đình làng cổ hiện không còn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính xưa. Ðể không bị mai một nét xưa, chính quyền và người dân huyện Nhơn Trạch đã ra sức bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của những đình làng, ngôi nhà cổ. Một trong những ngôi đình vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống là đình cổ Phước Thiền gần 200 năm tuổi.
Ðình Phước Thiền (trước đây có tên là đình ông Cọp) được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào cuối năm 2009. Ðình nằm cách TP. Biên Hòa 35km về phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh 40km về phía Ðông. Theo người dân địa phương, đình Phước Thiền là nơi thờ tự Thần thành hoàng Bổn Cảnh, vị thần bảo hộ cho cộng đồng dân cư ở thôn làng. Ngoài ra, đình còn phối thờ Tả ban, Hữu ban, Bạch mã Thái giám, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Ngũ hành nương nương, Thổ công, Thần nông, chúa rừng và các anh hùng liệt sĩ của xã Phước Thiền trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Khuôn viên đình cổ Phước Thiền (xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch).
Ở những khoảng thời gian khác nhau của một ngày, của một năm, đứng trước đình nhìn về các hướng, mới thấy vẻ đẹp của từng khoảnh khắc, của từng không gian mở ra. Nét nổi bật trong kiến trúc của đình là hệ thống các mảng chạm khắc tinh xảo, trang trí hoa văn phong phú, kết cấu bộ khung vì kèo gỗ đảm bảo sự chắc chắn, kỹ thuật lắp ráp, ghép mộng chốt đạt đến trình độ cao.
Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng dân gian giữa ba miền Bắc - Trung - Nam trong thiết kế bài trí đình Phước Thiền đã tạo nên sự phong phú, đa dạng, là đề tài nghiên cứu cho các nhà văn hóa dân gian ở địa phương. Ðồng thời khẳng định những chủ nhân xây dựng ngôi đình có nguồn gốc từ miền Trung di dân vào Phước Thiền sinh sống, lập nghiệp. Việc bảo vệ ngôi đình giống như việc bảo vệ không gian riêng xen lẫn giữa cổ kính và hiện đại mà vùng đất Nhơn Trạch may mắn có được để nhìn về lịch sử 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai.
Hằng năm, Ban Quý tế đình và nhân dân huyện Nhơn Trạch tổ chức lễ cúng Kỳ yên với các nghi thức cúng cổ truyền của đình làng Nam Bộ, đông đảo nhân dân địa phương và các xã, huyện lân cận đến tham gia, dâng hương, tế lễ tạ ơn Thần Thành hoàng.Trưởng ban tổ chức lễ cúng đình Nguyễn Văn Quang cho biết, để có một lễ cúng Kỳ yên chu toàn, người dân địa phương đã chuẩn bị từ trước khoảng môt tháng. 3 ấp trong xã Phước Thiền (ấp Trầu, ấp Bến Sắn và ấp Bến Cam) sẽ luân phiên nhau đứng ra tổ chức lễ cúng đình.
“Ðình Phước Thiền không chỉ là tín ngưỡng, thờ phụng các bậc tiền hiền, mà còn là nơi để sinh hoạt, kết nối cộng đồng dân cư lại với nhau. Bên cạnh chú trọng đời sống tâm linh, tinh thần của người dân địa phương như một nét đẹp trong ứng xử và giữ gìn bản sắc. Năm nào cũng vậy, sau lễ Kỳ yên, số tiền cúng lễ mà người dân đóng góp, chúng tôi sử dụng vào nhiều hoạt động. Trong đó, chủ yếu là ủng hộ cho quỹ người mù, quỹ vì người nghèo và công tác xã hội của địa phương. Hoạt động này được Ban tế đình và đông đảo bà con hưởng ứng nhiệt tình”, ông Quang chia sẻ.
Nói về đình cổ Phước Thiền quả là một câu chuyện dài của sự tồn tại. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Quyết (Trường đại học Ðồng Nai) cho rằng, hiện nay, việc bảo tồn những đình làng cổ được xem là giữ “cái neo” để người dân Biên Hòa - Ðồng Nai không mất đi bản sắc thuộc về gia đình, dòng họ và quê hương mình. Những ngôi đình cổ như đình Phước Thiền đã từng là nơi nuôi dưỡng một phần quan trọng của giá trị văn hóa xứ Ðồng Nai.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập