(CTT-Đồng Nai) - Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển thị trường khoa học – công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, hàng năm, tỉnh dành 2% ngân sách để chi cho hoạt động KH-CN (giai đoạn 2018-2022 là 438,6 tỷ đồng). Nhưng tỷ lệ giải ngân hàng năm đều không đạt.
Một giải pháp công nghệ về nhà thông minh được Công ty FPT giới thiệu tại Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2023 mới đây
Còn ít các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH-CN
Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu, mặc dù có nhiều nỗ lực trong phát triển thị trường KH-CN nhưng cho đến nay, hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Việc mua bán công nghệ chủ yếu dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị. Việc chuyển giao công nghệ, mua bán trên sàn công nghệ, sàn thương mại điện tử còn ít.
Các tổ chức trung gian phát triển thị trường KH-CN còn ít và yếu về năng lực. Các doanh nghiệp của tỉnh, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ năng lực để chủ động tìm kiếm và tiếp cận các thông tin về nguồn cung công nghệ cũng như chưa tích lũy đủ các nguồn lực, nhất là nguồn vốn và nhân lực trình độ cao để tiếp nhận công nghệ mới, công nghệ cao.
Quỹ phát triển KH-CN tỉnh Đồng Nai được thành lập vào cuối năm 2006 với kỳ vọng sẽ tạo nên luồng gió mới trong phát triển KH-CN nói chung và thị trường KH-CN nói riêng. Giai đoạn 2020 -2022, tỉnh có bố trí kinh phí cho quỹ (5 tỷ đồng/năm) nhưng do quỹ chưa hoàn thiện pháp lý và bộ máy nên nguồn kinh phí giao cho quỹ bị thu hồi, điều chuyển trong quá trình điều hành ngân sách tỉnh.
Giai đoạn 2018-2022, Sở KH-CN Đồng Nai tổ chức, quản lý triển khai thực hiện 33 đề tài, dự án KH-CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Sở cũng chủ trì, tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng Nai – Techfest DongNai, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp sáng tạo dựa trên KH-CN và tài sản trí tuệ…Tuy nhiên, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đưa các hoạt động trên đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thực tế, lâu dài hơn.
Quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao
Một yếu tố khác rất quan trọng để phát triển KH-CN nói chung đó là nhân lực. Tuy nhiên nhìn chung, nguồn lực cho phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 2.595 nhân lực KH-CN. Trong số này, tỷ lệ người có trình độ sau đại học chiếm 38,1% (tiến sĩ 7,7%, thạc sĩ 30,4%); số người có chức danh GS, PGS chỉ khoảng 1,8%.
Robot của Trường Đại học Lạc Hồng biểu diễn tại lễ khai mạc Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai 2023
Lãnh đạo một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ, ông đánh giá rất cao đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân sự đang làm việc tại công ty. Những kỹ sư người Việt Nam rất thông minh, cần cù, chịu khó và tiếp thu kiến thức rất nhanh. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là kỹ sư người Việt Nam chưa có cái nhìn bao quát, tổng thể về các loại máy móc, kỹ thuật. Do vậy, khi các đối tác đặt hàng sản xuất một loại thiết bị nào đó, kỹ sư người Việt còn lúng túng trong việc sử dụng các loại máy móc phù hợp.
Phát biểu tại buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN và môi trường của Quốc hội đề nghị tỉnh Đồng Nai quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH-CN. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao để hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường KH-CN.
Tác giả: Bảo Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập