Hôm qua 8-1, Đoàn giám sát số 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai có hiệu lực đến hết năm 2018 trên địa bàn Đồng Nai. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh và đại diện các sở, ngành, TP. Biên Hòa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, Đồng Nai đã giao, cho thuê được 356 dự án với diện tích 2.944 ha. Trong cùng thời gian, tỉnh thực hiện công tác bồi thường, thu hồi đất 4.663,5 ha của 18.539 hộ gia đình. Tổng số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất là trên 2.951 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến 2018, Đồng Nai thực hiện đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 211.197 thửa đất trên địa bàn 86 xã, nâng tổng số thửa đất được đăng ký lên gần 1.335.000 thửa trong tổng số gần 1.622.000 thửa đất (đạt tỷ lệ 82,3% số thửa toàn tỉnh).
Để quản lý đất đai, Đồng Nai đã tăng cường ứng dụng công nghệ, xây dựng các phần mềm quản lý. Theo đó, nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp máy tính cho 100% xã, phường, thị trấn. Đặc biệt tỉnh xây dựng được phần mềm quản lý đất đai (DongNai.Lis) với các tính năng quản trị hệ thống, tra cứu thông tin địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Phần mềm này cũng được phát triển thêm các chức năng khai thác thông tin đất đai trên nền tảng web và Mobile.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, khó khăn nhất hiện nay trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh là nhu cầu về đất ở do dân số gia tăng nhanh. Điều này dẫn đến hiện tượng phân lô bán nền khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát. Giao dịch đất đai thực hiện giữa các cá nhân không qua cơ quan nhà nước nên không hệ thống hóa được số liệu, quản lý theo phần mềm, nhất là những thửa đất được tách trái phép. Trước tình hình trên, Đồng Nai cũng đã có giải pháp tạm ngưng cấp phép tách thửa để vượt qua giai đoạn “sốt” giá đất, tuy nhiên về lâu dài, nhu cầu tách thửa, xây dựng nhà cửa của người dân vẫn rất lớn cần phải có giải pháp ổn thỏa.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh nhận định, công tác quy hoạch của Đồng Nai thực hiện tương đối sớm so với các địa phương khác của cả nước. Tỉnh cũng là một trong số ít những địa phương tích hợp được công nghệ trong quản lý đất đai, tạo thuận tiện cho người dân, cơ quan quản lý. Với một địa bàn phát triển kinh tế mạnh không tránh khỏi những phát sinh, khó khăn trong quản lý… nên thời gian qua, Đồng Nai cũng xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Để góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, Đồng Nai cần chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc tại khâu nào, sự chồng chéo trong quản lý theo các luật… và có báo cáo cụ thể để đoàn công tác tổng hợp trình Quốc hội.
Đối với tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép và giá đất biến động bất thường, đặc biệt xung quanh dự án Sân bay quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị trong thời gian tới cần quản lý chặt chẽ hơn nhằm hạn chế hiện tượng nêu trên. Bên cạnh đó, những sai phạm trong công tác quản lý đất đai và việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan cần có báo cáo cụ thể. Đặc biệt, xung quanh dự án Cụm công nghiệp Phước Tân, dù có quy hoạch sử dụng đất, nhưng chưa có quy hoạch xây dựng. Do công tác quản lý chưa chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng 48 doanh nghiệp mua bán đất nông nghiệp, xây dựng trái phép nhà xưởng để sản xuất làm “nóng” dư luận thời gian qua cũng phải có hướng xử lý cụ thể, hợp lý. Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập