Là một trong những phong trào rèn luyện trọng điểm của sinh viên, do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khởi xướng từ năm 2009, “Sinh viên 5 tốt” đã dần khẳng định được vai trò, vị trí trong đời sống sinh viên. Tại Đồng Nai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo sinh viên, góp phần nâng cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện, phát triển toàn diện trong sinh viên, xây dựng thế hệ sinh viên có trình độ, nhiệt huyết, đóng góp cho sự phát triển của địa phương và đất nước.
Lan tỏa phong trào trong sinh viên
Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được phát động trong sinh viên toàn quốc gồm: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, hội nhập tốt và tình nguyện tốt. Qua đó giúp sinh viên vừa tự rèn luyện, vừa hướng đến sự phát triển của tập thể, góp phần nâng cao chất lượng học tập, đạo đức, hình thành lối sống lành mạnh trong thế hệ trẻ.
Giai đoạn 2013 - 2018 là nhiệm kỳ đầu tiên Hội Sinh viên Đồng Nai triển khai chính thức phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, số lượng sinh viên tham gia phong trào rất hạn chế, hầu hết các đơn vị chỉ tổ chức thực hiện tốt công tác bình chọn, tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” chứ chưa có giải pháp thường xuyên triển khai các hoạt động tạo môi trường để sinh viên tham gia rèn luyện, chưa có nhiều mô hình phát huy được tiềm năng, nguồn lực từ sinh viên…
Theo Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Hồ Hồng Nguyên, nếu cho rằng tổ chức Hội Sinh viên đang đứng trước yêu cầu cấp bách cần đổi mới, cải tiến thì mảng phong trào là nội dung trước hết cần tập trung đổi mới, bắt kịp xu hướng và tâm lý của sinh viên hiện nay, trong đó, cốt lõi trước hết chính là phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Tại Đồng Nai, số lượng sinh viên tương đối lớn, chất lượng khá tốt và ngày càng phát triển là một ưu thế để triển khai phong trào trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng chính từ số lượng ngày một tăng, địa bàn trải rộng, đa dạng và phân hóa trong các nhóm sinh viên cùng với sự tác động của đời sống ở vùng đô thị phức tạp đã tạo ra những thách thức lớn cho tổ chức Hội trong quá trình triển khai. Việc triển khai phong trào cũng gặp nhiều thử thách do sự chuyển đổi ngày càng rõ nét trong hệ giá trị sống của sinh viên thiên về tính cá nhân hóa, sự chuyển đổi về phương thức học tín chỉ, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, giải trí tạo ra sự chi phối lớn trong đời sống tinh thần của sinh viên.
Sinh viên 5 tốt tham gia Hành trình với biển đảo quê hương.
Để khắc phục điều này, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ mà trước tiên là đổi mới phương thức giới thiệu về phong trào đến sinh viên. Theo đó, toàn tỉnh đã tổ chức 82 hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về phong trào “Sinh viên 5 tốt” như hành trình, diễn đàn, tọa đàm, các ngày hội lớn, các đợt đẩy mạnh truyền thông mạng xã hội, truyền thông trực quan, truyền thông qua kênh phát thanh, qua các buổi sinh hoạt thu hút trên 59.000 sinh viên tham gia.
Một điểm nhấn khác chính là “Hành trình Sinh viên 5 tốt” tại các trường đại học trong tỉnh. Hành trình là hoạt động do CLB Sinh viên 5 tốt tỉnh thực hiện bao gồm các hoạt động như phát tờ rơi và sinh hoạt, giới thiệu phong trào, tiêu chuẩn xét chọn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh; kết hợp chia sẻ về phương pháp học tập hiện đại, kỹ năng xây dựng thương hiệu, hình ảnh bản thân. Qua mô hình này, việc tuyên truyền về phong trào “Sinh viên 5 tốt” trở nên trực quan, sinh động, thu hút và tạo tính lan tỏa cao trong cộng đồng sinh viên. Đồng thời phát huy được sự tham gia chủ động, sáng tạo của những “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương.
Cùng với đó, để tạo môi trường rèn luyện tự thân cho sinh viên, động lực tự tham gia các hoạt động, trải nghiệm và trưởng thành, Hội Sinh viên tỉnh đã đẩy mạnh thông tin các tấm gương tiêu biểu về sinh viên để tạo lực đẩy tinh thần cho những sinh viên khác phấn đấu, rèn luyện.
Đánh giá về phong trào “Sinh viên 5 tốt”, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Hồ Hồng Nguyên cho rằng, với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả phong trào đã có sự phát triển, lan tỏa, tạo môi trường phấn đấu, rèn luyện cho đông đảo sinh viên tỉnh nhà, được nhà trường và xã hội đánh giá cao, góp phần xây dựng lớp sinh viên toàn diện, đóng góp nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao của tỉnh. “Sinh viên 5 tốt” đã trở thành danh hiệu để sinh viên đặt mục tiêu rèn luyện, phấn đấu đạt được. Các bước triển khai phong trào dần hoàn thiện và liên kết thành chuỗi quy trình thực hiện ngày một chất lượng hơn.
Để “sinh viên 5 tốt” không chỉ là danh hiệu
Từ Hà Tĩnh vào Đồng Nai học tập, Phan Thị Quỳnh (sinh viên ngành Kế toán, Đại học Đồng Nai) được biết đến là sinh viên giàu nghị lực, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Quỳnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà lại đông anh em nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Dù đã được hỗ trợ miễn giảm học phí, nhưng để trang trải chi phí sinh hoạt, Quỳnh phải tranh thủ đi làm thêm từ gia sư, pha chế đến phục vụ bàn. Tuy điều kiện học tập hạn chế nhưng thành tích học tập của Quỳnh lại rất tốt. “Do em dành nhiều thời gian làm thêm để có thể tự lo cho cuộc sống nên một thời gian không theo kịp các bạn, việc học ngoại ngữ cũng bị hạn chế do đó chưa đủ tiêu chuẩn “Sinh viên 5 tốt”. Tết này, em dự tính đi làm thêm để có một khoản tiền học thêm Anh văn, phấn đấu trở thành sinh viên “5 tốt”, để có thể hoàn thành thử thách đặt ra đối với bản thân”, Quỳnh bộc bạch.
Sinh viên tham gia chương trình Thanh niên tình nguyện hè 2018.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có một cộng đồng “Sinh viên 5 tốt” ở mỗi địa phương để động viên, hỗ trợ các sinh viên khác đạt danh hiệu cũng như giúp đỡ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp, vượt qua khó khăn trong đời sống hằng ngày, góp phần lan tỏa phong trào ý nghĩa này.
Thực tế hiện nay cho thấy, tiêu chí về “Sinh viên 5 tốt” được xác định là khá rộng tuy nhiên lại chưa quan tâm nhiều đến độ sâu. Nếu chỉ tuyên truyền về phong trào mà ko gắn với lợi ích thực tiễn của sinh viên và không có minh chứng cụ thể thì sinh viên sẽ không chủ động tham gia phong trào. Nguyễn Thị Thuý Vi - “Sinh viên 5 tốt” Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Trước đây, em chỉ biết đến “Sinh viên 5 tốt” là “danh hiệu cao quý” đối với mỗi sinh viên chứ chưa nhận thức được ý nghĩa của nó. Khi phấn đấu trở thành “Sinh viên 5 tốt”, em đặt ra kế hoạch cụ thể để phấn đấu từng tiêu chí, hoàn thiện bản thân và dần nhận ra “Sinh viên 5 tốt” không chỉ là danh hiệu mà là động lực, môi trường để mỗi sinh viên có thể tự đặt ra cho mình những mục tiêu và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó”.
Thúy Vi cũng cho rằng, mục tiêu cốt lõi của phong trào chính là sau khi ra trường sinh viên trở thành những nhân tố tích cực, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự phát triển của đất nước, chứ không chỉ đơn thuần là một danh hiệu, thành tích tô đẹp lý lịch sinh viên.
Trước những kết quả và thách thức đặt ra, làm thế nào để phong trào “Sinh viên 5 tốt” tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là phong trào chủ đạo, xuyên suốt, thu hút sự quan tâm, tham gia một cách tự giác của đông đảo sinh viên đã, đang và sẽ là vấn đề được các cấp Hội sinh viên tỉnh tiếp tục đặt ra và từng bước trả lời bằng những hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
Số lượng “Sinh viên 5 tốt” đạt danh hiệu ngày càng tăng
Theo Hội Sinh viên tỉnh, trong thời gian qua đã có 27,6 ngàn sinh viên đăng ký phấn đấu danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, trong đó có trên 1.200 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp khoa, 687 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, 10 tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp trường, 228 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, 5 tập thể đạt danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh, 1 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Số lượng sinh viên 5 tốt đạt danh hiệu qua các năm ngày một tăng, tỷ lệ thuận với chất lượng sinh viên và các hoạt động tạo môi trường rèn luyện cho sinh viên.
Phương Uyên
Tác giả: Lê Thị Phương Uyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập