Cách đây 68 năm (7-5-1954 – 7-5-2022), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bước phát triển mới của nhân dân Việt Nam và thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Nguồn: Internet)
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh", quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp, vùng giải phóng không ngừng được mở rộng, chính quyền nhân dân được củng cố. Trên thế giới, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được hình thành trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhằm tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Đông Dương trong danh dự, thực dân Pháp đã vạch ra kế hoạch Nava hy vọng trong vòng 18 tháng phải giành được thắng lợi quyết định về quân sự. Để thực hiện kế hoạch đó, Nava đã ra sức bắt lính để mở rộng ngụy quân, rút lực lượng lính Âu - Phi tinh nhuệ của chúng ở một số vị trí về tập trung lại, đồng thời xin tăng viện binh để xây dựng một lực lượng cơ động mạnh, nhằm quyết chiến với quân chủ lực của ta. Từ Hè - Thu 1953, thực dân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét dữ đội trong các vùng chúng chiếm đóng ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ.
Đồng thời, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động khá mạnh, gồm 44 tiểu đoàn trong tổng số 84 tiểu đoàn quân cơ động của chúng trên toàn chiến trường Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Pháp tăng cường thêm 3 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo binh để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Các tướng lĩnh, chính khách Pháp đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một "pháo đài khổng lồ không thể công phá".
Trước tình hình mới, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953-1954. Để tiến tới trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, quân đôi ta đã thực hiện các đòn tiến công chiến lược trên các chiến trường Đông Dương: cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên. Cùng với việc tiến công địch ở các mặt trận, quân và dân ta đã tích cực chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, cho bộ đội chủ lực các mặt trận nhanh chóng tiến công lên Tây Bắc.
Ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được diễn ra thành 3 đợt: đợt 1 bắt đầu từ ngày 13-3-1954 đến ngày 17-3-1954 quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đợt 2 bắt đầu từ ngày 30-3-1954 đến ngày 30-4-1954, quân ta đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào.
Và đợt 3 bắt đầu từ ngày 1-5-1954 và đến ngày 7-5-1954 thì kết thúc. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - một "pháo đài khổng lồ không thể công phá của quân đội Pháp đã bị tiêu diệt. Tướng Đờ Caxtơri và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Ở các cứ điểm còn lại xung quanh, binh lính và sĩ quan của địch lũ lượt gương cờ trắng ra hàng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc oanh liệt cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953-1954 của quân và dân Việt Nam, đánh bại kế hoạch quân sự Nava, làm sụp đổ niềm hy vọng của giới quân sự và chính trị ở Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Giơnevơ; đồng thời là cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
An Hạ