Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật

Thứ bảy - 07/05/2022 17:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Văn học, nghệ thuật (VHNT) là lĩnh vực nhạy cảm, thẩm thấu, tiếp nhận qua kênh đọc, nghe, xem, trực tiếp tác động đến đời sống tình cảm, biến đổi nhận thức, tư tưởng con người. Với đặc điểm này, các thế lực thù địch, phản động cùng những phần tử cơ hội triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại sự nghiệp cách mạng.
Để nâng cao hiệu quả phát hiện âm mưu chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, VHNT rất cần sự tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lý của cơ quan nhà nước.
VHNT.JPG
Hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai nghe nói chuyện chuyên đề Người đảng viên trên lĩnh vực văn học nghệ thuật
Nhiều hành vi xuyên tạc, chống phá
Có nhiều con đường, phương thức thể hiện khác nhau được các thế lực phản động thực hiện, như lợi dụng diễn đàn, qua mạng xã hội nhưng con đường tinh vi nhất, xảo quyệt, thâm độc nhất, địa hạt dễ len lỏi nhất là thông qua các bài viết, các bài thuyết giảng, các xuất bản phẩm văn học, văn hóa.
Những ấn phẩm độc hại người đọc từng biết như: Cọng rêu dưới đáy ao của Võ Văn Trực phản ánh về một thời kỳ lịch sử dân tộc, những vĩ nhân, lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia… đã bị chính nhà xuất bản thu hồi sau một tháng phát hành. Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù của Dương Thu Hương… cũng là những tác phẩm điển hình cho tư tưởng chống cộng.
Nổi lên gần đây, dư luận bạn đọc cả nước bất bình, lên án mạnh mẽ truyện ngắn Chiếc áo len mẹ đan của tác giả Trung Quân biên soạn, in trong tập Truyện ngắn về gia đình, được cho là do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014, phát hành rộng rãi trong hệ thống thư viện toàn quốc. Bên cạnh đó, một số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối đã sáng tác và tán phát nhiều tài liệu có nội dung phản động dưới dạng các ấn phẩm văn học như: Chính trị bình dân do đối tượng Phạm Đoan Trang soạn thảo năm 2016; hay như blogger Phạm Thanh Nghiên viết Hồi ký Những mảnh đời sau song sắt năm 2012 sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội Tuyên truyền chống nhà nước.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả phát hiện âm mưu chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn học, nghệ thuật phản động, cần tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Đây là cơ sở và định hướng chính trị trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, hướng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chống mọi biểu hiện phi chính trị, thương mại hóa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định trong hệ thống luật pháp, các chính sách đối với văn nghệ sĩ và lĩnh vực văn học, nghệ thuật; kiểm soát, quản lý chặt chẽ các ấn phẩm, sản phẩm xấu độc xâm nhập vào nước ta. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ cả chuyên môn và nhận thức hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc và văn học, nghệ thuật cách mạng.
Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Không ngừng nâng cao ý thức chính trị, đấu tranh bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, phản động, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Mỗi sáng tác cần tự hỏi: sáng tác cho ai? Sáng tác để làm gì? Và sáng tác như thế nào? Có cơ chế kiểm soát, giám sát và phát huy tính sáng tạo đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh sinh động đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Đấu tranh trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một bộ phận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thù địch len lỏi trong đời sống văn học nghệ thuật, góp phần lành mạnh hoá đời sống tinh thần của nhân dân ta trơng thời kỳ mới.
Hòa Bình

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây