(CTT-Đồng Nai) - Qua nhiều năm sản xuất nông nghiệp chạy theo số lượng, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng đất đai của Việt Nam đang đến hồi báo động. TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa
TS.Nguyễn Đăng Nghĩa
Đất đai đang suy kiệt
Theo đánh giá của TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, thực trạng, chất lượng đất dành cho sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay có thể nói đai đang bị suy kiệt về chất lượng. Việc canh tác chạy theo số lượng, mở rộng diện tích lạm dụng quá nhiều phân hóa học đã làm phá vỡ cân bằng chất dinh dưỡng trong đất, trong khi lượng hữu cơ bón thêm vào đất còn khá ít, đang khiến cho hữu cơ tích lũy trong đất suy giảm mạnh, chất hữu cơ càng ngày càng nghèo kiệt. Điều đó sẽ có tác động tiêu cực đến sự bền vững của sản xuất nông nghiệp.
Suy kiệt dần của đất đai tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Đã xuất hiện những yếu tố dinh dưỡng giới hạn, cụ thể là giới hạn năng suất. Trong khi đó, các loại dịch hại trên cây trồng lại xuất hiện với tần suất rất dày, năng suất giảm, nông dân lại càng sử dụng nhiều phân hóa học. Qua đó, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và chất lượng nông sản. Nông sản Việt Nam tuy đa dạng về chủng loại nhưng lại đang khó cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
TS.Nguyễn Đăng Nghĩa cũng cho rằng, hiện nay mỗi năm đang sử dụng tới 12 triệu tấn phân hóa học, đó là một con số quá lớn. Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan khiến chất lượng nhiều mặt hàng nông sản giảm sút, thậm chí đã có những quốc gia trả hàng hoặc cấm nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Chưa kể, thị trường rau, củ quả trong nước cũng đang liên tục xảy ra nhiều vấn đề về an toàn, là những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được Đồng Nai đẩy mạnh
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được Đồng Nai đẩy mạnh
Nông nghiệp hữu cơ hướng đi tất yếu
TS.Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, sản xuất hữu cơ đang được khuyến khích, đẩy mạnh, tuy nhiên sự chuyển đổi này vẫn còn khó khăn. Tại Việt Nam, việc đẩy mạnh canh tác hữu cơ đang được Nhà nước khuyến khích, người tiêu dùng cũng ủng hộ nhưng vẫn có những rào cản. Rất khó có thể tìm được một diện tích đất trồng trọt có đủ tiêu chuẩn sạch để thỏa mãn được các yêu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ bởi bị ảnh hưởng lối canh tác lạm dụng như trước đây.
Bên cạnh đó, sản lượng phân hữu cơ sản xuất trong nước còn quá nhỏ so với yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nếu chúng ta sử dụng gần 12 triệu tấn phân hóa học mỗi năm thì phải cần đến 36 triệu tấn phân hữu cơ để tái cân bằng đất đai. Ngoài ra, nếu tính về chi phí, sản xuất theo hướng hữu cơ chắc chắn sẽ khó có sự cạnh tranh nếu so với việc sản xuất lạm dụng phân bón hóa học như hiện nay. Nhận thức về hiệu quả, ích lợi của nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam của đại bộ phận người dân hiện vẫn còn hạn chế…
Theo phân tích của TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, tiềm năng của việc sản xuất hữu cơ là rất lớn, là quốc gia nhiệt đới, nước sản xuất nông nghiệp với chủng loại phong phú thì nguồn nguyên vật liệu hữu cơ ở nước rất tiềm năng. Kỹ thuật không phải là vấn đề mà ở đây là các chính sách. Cần quy hoạch và bảo vệ khu vực đất đai, nguồn nước chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phải minh bạch và hài hòa các quyền lợi cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi.
Để đẩy mạnh việc phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn, tỉnh cần xác định nhóm cây ăn trái phù hợp và có lợi thế, từ đó xây dựng chuỗi liên kết nhằm tổ chức trồng, bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách chắc chắn, bền vững. Đẩy mạnh liên kết nông hộ, trang trại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn trong sản xuất hữu cơ.
Cùng với đó, để hạn chế việc sử dụng phân hóa học, địa phương có sự chuẩn bị các nguồn vật tư đầu vào như các chủng loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ. Có giải pháp khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, trang trại, gia trại đầu tư sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ và gia tăng khai thác các nguồn nguyên liệu có nhiều ở địa phương để chế biến phân hữu cơ phục vụ cho chương trình này.