(CTT-Đồng Nai) - Những tháng vừa qua, bức tranh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có nhiều mảng sáng tối đan xen. Sức ép về thị trường đang là vấn đề trọng tâm hiện nay và DN vọng rằng khi tăng trưởng xuất khẩu trở lại, thì bức tranh kinh doanh sẽ khả quan hơn.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP. Biên Hòa)
Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP. Biên Hòa)
Để vượt khó, bên cạnh tận dụng tối đa lực đẩy từ các chính sách, DN cũng có sự điều tiết linh hoạt chiến lược theo các hướng chủ động đổi mới, cải thiện thị trường, sản phẩm, dịch vụ, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị rủi ro để duy trì hoạt động một cách bền vững.
Chờ vào sự khởi sắc hơn
Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh của các DN còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất, giá nguyên liệu giá vẫn cao, một số DN phải sắp xếp lại để duy trì sản xuất. Mặc dù trong thời gian gần đây, một số DN đã ký được đơn hàng sản xuất mới, tuy nhiên lượng hàng chưa nhiều do đó họ vẫn rất kỳ vọng vào các tháng cuối năm, cận tết để gia tăng doanh số của mình.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Mỹ Châu, vấn đề mà các DN sản xuất đang gặp phải là sức tiêu thụ hàng hóa chưa được phục hồi hoàn toàn. Một số mặt hàng trước đây bán chạy thì nay tồn kho nhiều. Xuất khẩu và cung ứng cho các nhà sản xuất gặp khó, hiện công ty đang đẩy mạnh việc chuyển hướng về thị trường nội địa. Với các sản phẩm dân dụng như: kệ tivi, máy lạnh, đế tủ lạnh…thì những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp DN tăng doanh thu.
Giám đốc Công ty TNHH Lộc Gấm Phát Đỗ Thị Hồng Nhung chuyên sản xuất gạch lát sân, vườn, công trình dự án công cộng thì kỳ vọng vào việc thúc đẩy đầu tư công trong những tháng cuối năm. Theo chị Nhung, Điều mà các DN như Lộc Gấm Phát cần hiện nay là nhà nước có giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư những công trình trọng điểm, hỗ trợ DN ngành xây dựng. Từ đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành bởi hạ tầng, xây dựng cũng sẽ là lực kéo để thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.
“Trong thực tế, chúng tôi đã chào hàng các sản phẩm đến nhiều đối tác và nhiều khách hàng cũng hỏi thăm, liên hệ báo giá với công ty nhưng lượng hợp tác thành công cũng rất ít. Chúng tôi rất kỳ vọng vào cuối năm nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ thì nhu cầu về các sản phẩm của công ty sẽ tăng cao hơn”, chị Nhung kỳ vọng.
“Làm mới” mình để tạo thêm động lực với thị trường nội địa
Theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, ngành gỗ trong thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu về xuất khẩu gỗ của cả nước cũng như Đồng Nai khó lòng đạt được trong năm nay. Việc chống chịu nhiều áp lực thời gian qua và “sống sót” được cũng phần nào tạo cho các DN thêm động lực để làm mới mình, mạnh dạn quya về thị trường nội địa.
Theo đó, hiện nhiều DN trong ngành gỗ đang đi song song cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Đối với thị trường nội địa thì việc giới thiệu những sản phẩm nội thất được sản xuất từ gỗ nhập khẩu, sản phẩm mang phong cách Âu-Mỹ đến người tiêu dùng trong nước đang được đẩy mạnh. Đồng Nai cũng đang thực hiện chiến lược bền vững trong sản xuất, chế biến gỗ. Trước mắt là từng bước xây dựng một hệ sinh thái từ khâu trồng rừng nguyên liệu nội địa đến sản xuất, thương mại dựa trên những lợi thế sẵn có của mình.