Phụ nữ P.Long Bình làm theo Bác thực hành tiết kiệm

Thứ hai - 21/06/2021 08:45
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Thực hiện phong trào phụ nữ thực hành tiết kiệm theo gương Bác do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội LHPN P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm giúp hội viên tạo lập thói quen tiết kiệm cho bản thân, vừa có cơ hội để giúp đỡ hội viên phụ nữ lúc khó khăn.
32e87ae4edf619a840e7.jpg
Cán bộ Hội LHPN P.Long Bình tham quan mô hình nuôi cá
của gia đình chị Đào Thị Út Hào, ngụ KP.5A
Tạo thói quen tiết kiệm
Nhiều năm nay, sáng nào đi chợ về bà Đỗ Thị Mai (ở KP.5, P.Long Bình) cũng có thói quen soạn tiền lẻ để nuôi heo đất nhằm hưởng ứng Lời kêu gọi của Chi hội Phụ nữ khu phố. Theo bà Hồng, bình thường vài ngàn đồng là con số rất nhỏ, không đủ để mua một bó rau nhưng từ vài ngàn đồng mỗi ngày bỏ vào heo đất, lâu ngày sẽ có số tiền lớn hơn, mua được những vật dụng có giá trị trong gia đình. Chưa kể những lúc kẹt tiền chi tiêu, khoản tiền nuôi heo đất cũng giải quyết được phần nào khó khăn cho gia đình.
Bà Phạm Thị Bông, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.5 chia sẻ, hầu hết hội viên đều hưởng ứng phong trào nuôi heo đất. Ngoài phát động hội viên phụ nữ nuôi heo đất cá nhân tại nhà, chi hội còn phát động và trang bị heo đất cho hội viên phụ nữ tại các tổ nuôi heo đất tập thể, đến nay có 28/28 tổ nhận heo đất về nuôi. Mỗi năm, chi hội sẽ tổ chức khui heo đất một lần. Với những heo đất cá nhân nuôi sau khi khui sẽ tùy tâm trích ủng hộ lại cho chi hội trao học bổng, còn lại mang về mua sắm vật dụng trong gia đình. Đối với heo đất tập thể nuôi, sau khi khui sẽ được nhập vào quỹ của chi hội. Quỹ của chi hội ngoài việc dùng để tổ chức các hoạt động của Hội, còn được dùng để thăm hỏi hội viên phụ nữ khi ốm đau, qua đời; tặng học bổng cho con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Bên cạnh hình thức tiết kiệm bằng nuôi heo đất, hội viên phụ nữ P.Long Bình còn tiết kiệm bằng việc tham gia các tổ phụ nữ tiết kiệm. Bà Nguyễn Thị Hường, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ KP.3 cho biết, từ năm 2008, thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ do Hội LHPN P.Long Bình phát động, Chi hội Phụ nữ KP.3 đã thành lập các tổ phụ nữ tiết kiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các tổ phụ nữ tiết kiệm. Hiện nay, Chi hội Phụ nữ KP.3 đã vận động được trên 120 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm với số tiền bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.
 Chia sẻ kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm, bà Hường cho hay, có được kết quả này là nhờ chi hội thực hiện tốt quy chế tiết kiệm, có quỹ đề phòng rủi ro, duy trì việc khen thưởng đối với các hội viên phụ nữ tích cực và vào cuối năm, chi hội sẽ chốt sổ, thanh toán cả vốn lẫn lời cho hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm. Thời điểm chốt sổ thường là gần Tết nên hội viên ngoài việc đóng lại tiền tiết kiệm còn có thêm một khoản để mua sắm tết cho gia đình. Điều này cũng khuyến khích chị em tham gia tiết kiệm.
Tạo vốn giúp nhau phát triển kinh tế
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN P.Long Bình cho rằng, tham gia các mô hình tiết kiệm, hội viên phụ nữ không chỉ tạo được thói quen tiết kiệm cho bản thân, gia đình mà còn tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau lúc khó khăn.
17 năm trước, chị Đào Thị Út Hào (ngụ KP.5A) rời quê hương Bắc Giang vào Đồng Nai kiếm việc làm với hy vọng có thể thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Không có nghề nghiệp, không vốn liếng, chị Hào đi làm phụ hồ, làm thuê cho các trại chăn nuôi heo, gà, cá… Hơn 10 năm đi làm, chắt chiu tằn tiện, chị mua được một mảnh đất ở P.Long Bình với dự định gắn bó quãng đời còn lại với mảnh đất này. Vừa vui vì có được miếng đất cắm dùi, chị Hào không khỏi lo lắng vì chưa biết làm gì ngoài công việc đi làm thuê hiện tại. Đúng lúc hoang mang nhất thì chị được Chi hội trưởng chi hội phụ nữ KP.5A vận động tham gia vào Hội. Thật may, năm 2015 vừa tham gia vào Hội, chị được chi hội tạo điều kiện cho mượn 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số vốn 30 triệu đồng, chị Hào đầu tư làm chuồng trại và mua 1 con heo giống. Từ con heo giống, chị phát triển dần thành đàn heo 30, 60 con, thậm chí đỉnh điểm là 200 con.
Năm 2017, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, heo rớt giá, chị chuyển sang nuôi cá. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn song so với trước đây gia đình chị đã chủ động hơn về kinh tế. Hiện tại chị đang mượn 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo lại ao, mua cá giống và thức ăn…
Cũng như chị Hào, 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Thảo rời quê lên Đồng Nai thuê phòng trọ để ở và bắt đầu buôn bán tạp hóa nhỏ. May mắn là nơi chị ở trọ có khá đông công nhân lao động nên việc buôn bán của chị khá thuận lợi. Khi tham gia Chi hội Phụ nữ KP.3, P.Long Bình, chị quen biết thêm nhiều người, hiểu đúng về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn tiết kiệm của chị em. Chị Thảo cho biết, bán tạp hóa cần nhiều vốn để xoay vòng. So với các nguồn vốn từ ngân hàng thì nguồn vốn tiết kiệm của chị em khá phù hợp. Chị có thể linh động vay rồi trả trong thời gian ngắn mà không cần thế chấp. Nhờ nguồn vốn của Hội cộng với sự linh hoạt của bản thân, đến nay chị Thảo đã làm ăn khấm khá, không chỉ sở hữu nhiều bất động sản mà còn làm chủ một tiệm tạp hóa lớn, 1 tiệm bán đồ ăn sáng và 1 quầy bán thực phẩm tươi sống.
Khánh Ngân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây