96 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2021): Vươn mình mạnh mẽ

Thứ hai - 21/06/2021 08:17
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tròn 96 năm kể từ ngày ra mắt số báo đầu tiên mang tên “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, báo chí cách mạng Việt Nam đã và vẫn luôn luôn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng với sự phát triển của xã hội, báo chí các mạng Việt Nam ngày càng phong phú, hấp dẫn về nội dung; đẹp, sinh động về hình thức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
0dd49ea70ab5feeba7a4.jpg
Phóng viên các cơ quan báo chí tại Đồng Nai tác nghiệp
Chặng đường gần trăm năm của nền báo chí cách mạng
Tờ báo “Thanh Niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là tờ báo khởi nguồn cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Ban đầu, báo Thanh Niên dự định xuất bản hàng tuần nhưng do nhiều khó khăn nên sau đó không thể xuất bản định kỳ như kế hoạch.
Mỗi kỳ báo in khoảng 100 bản, gồm các chuyên mục: Xã hội, bình luận, tân văn, vấn đáp, thi ca, trả lời bạn đọc... Ngoài chủ bút Nguyễn Ái Quốc. tham gia viết bài cho báo Thanh Niên còn có các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm… Sau khi in xong, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến Thượng Hải hoặc Hồng Kông rồi tìm cách chuyển về trong nước để làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mac-Lenin và cách mạng vô sản, đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết dân tộc .
Ngày 2-6-1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (nay là Hội Nhà Báo Việt Nam). Đến tháng 7-1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
 Tháng 2-1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 05-2-1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21-6-1985 cũng là lần đầu tiên giới báo chí trên cả nước tổ chức lễ kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam, đồng thời kỷ niệm 60 năm ngày ra số báo Thanh Niên.
Ngày 21-6-2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tính đến nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có 96 “tuổi đời” và đang trong giai đoạn phát triển rất sôi động.
“Món ăn tinh thần” không thể thiếu của mọi nhà, mọi người
Trải qua gần 100 năm phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đặc biệt, kể từ sau ngày thống nhất đất nước, nền báo chí Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều loại hình báo chí như: phát thanh - truyền hình, báo giấy, báo điện tử… Cùng với sự phát triển rộng khắp, độ “phủ sóng” cao, nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, sinh động, hấp dẫn.
Hiện nay, với yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, đội ngũ những người làm báo luôn chạy đua với tin tức để cập nhật thông tin một cách kịp thời với tiêu chí đúng - trúng - đời. Không chỉ cung cấp thông tin, báo chí cũng thể hiện rõ vai trò tuyên truyền, định hướng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí; xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng; bảo vệ và phá huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nền báo chí cách mạng Việt Nam nói cung và đội ngũ những người làm báo nói riêng cũng luôn nỗ lực, nắm bắt và làm chủ công nghệ trong hoạt động báo chí.
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm. Đồng thời, các cơ quan báo chí đang ngày càng biết tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng và lan tỏa thông tin.
Sự phát triển của internet, đặc biệt là sự ra đời của các mạng xã hội đã góp phần lan tỏa thông tin báo chí. Đây cũng là thách thức không hề nhỏ của nền báo chí chính thống. Sự dễ dãi trong thông tin, thuận tiện trong chia sẻ, chỉ cần với 1 tài khoản mạng xã hội thì mỗi người dân đều có thể là 1 nhà báo… chính là những yếu tố giúp thông tin mạng xã hội dường như có ưu thế hơn so với báo chí chính thống. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra trong gần 2 năm qua đã một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của báo chí. Khi thông tin trở nên nhiễu loạn, hỗn độn, người dân có xu hướng tìm đọc thông tin trên các tờ báo chính thống nhiều hơn. Bởi đây mới là những cơ quan thực hiện đúng và đầy đủ chức năng của báo chí.
Hoàng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây