Phát triển thị trường trên các kênh trực tuyến
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử.
Với sự phát triển công nghệ và sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử, những doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là DN địa phương nên ứng dụng công nghệ để tận dụng tối đa việc phân tích xu hướng, hành vi mua sắm mới nhất của người tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, thúc đẩy mua sắm... Đây được xem là một kênh bán hàng tiềm năng, có nhiều điều kiện phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, trong xu thế hiện nay, các DN, cơ sở sản xuất tại địa phương, nhất là các DN, cơ sở sản xuất nhỏ cần xây dựng kế hoạch phù hợp để từng bước có kênh bán hàng online, phát triển gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhất là đối với những sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền…
Để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn, DN cần phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt, cũng như xem xét các yếu tố như: sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính, thuộc tính, yêu cầu về chất lượng…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, các DN ở địa phương, trong đó có Đồng Nai cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử lớn, DN cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe.
Đơn cử, khi đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử Amazon, DN cần tìm hiểu, đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe từ chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất đến các khâu đóng gói, ghi nhãn, những yếu tố về digital marketing (tiếp thị số), đảm bảo không vi phạm bản quyền ngay cả trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Sớm ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai
Theo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai năm 2021, dự kiến giao Sở Công thương tổ chức hội thảo ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử và toàn cảnh thương mại điện tử của tỉnh năm 2021 trong thời gian tới và đề ra mục tiêu Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh sau khi đưa vào hoạt động sẽ thu hút ít nhất 100 thương nhân trong tỉnh tham gia.
Đặc biệt, kế hoạch đề ra mục tiêu hỗ trợ trên 50% chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) có website quảng bá thương hiệu và thông tin đơn vị, đồng thời tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai.
Ngoài ra, theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), trong năm 2021, đơn vị sẽ lựa chọn hội chợ phù hợp với điều kiện, ngành hàng của tỉnh để hỗ trợ các DN tham gia các gian hàng triển lãm quốc tế trên môi trường mạng. Từ đó, hỗ trợ các DN, HTX trong tỉnh kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, khách hàng, cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thế mạnh của địa phương…
Vi Quân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập