(CTTĐT-Đồng Nai) - Để tạo được sự đột phá mới trong phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, các chỉ tiêu phát triển hạ tầng thương mại, việc triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển logistics… cần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây
Hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng H.Thống Nhất Trần Quang Tuấn cho biết, địa phương có nhiều lợi thế về các trục đường giao thông huyết mạch trên địa bàn góp phần kết nối, tạo điều kiện để quy hoạch, thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, chợ đầu mối. Liên quan về việc phát triển quy hoạch về thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện, huyện đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp các chợ nông thôn hiện hữu, cũng như kiến nghị sở ngành hỗ trợ phát triển các chợ nông thôn phù hợp, hiệu quả trên nhu cầu thực tế của địa phương.
Đặc biệt, đối với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, huyện đã quy hoạch quỹ đất để phát triển, mở rộng quy mô của chợ đầu mối giai đoạn 2. Theo ông Tuấn, huyện chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tư vấn để lấy ý kiến, triển khai lập quy hoạch 1:500 đối với dự án này, phù hợp với quy định, thủ tục. Theo đó, trong giai đoạn năm 2023-2025, huyện phấn đấu lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, đảm bảo quy định cho dự án này.
Trưởng Phòng Kinh tế H.Long Thành Lâm Văn Minh chia sẻ, địa phương mong muốn các sở, ngành liên quan hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư về triển khai các dự án về thương mại, dịch vụ, trung tâm triển lãm, hội nghị và phát triển trung tâm logistics để tận dụng những lợi thế lớn từ dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Riêng đối với việc phát triển các chợ truyền thống, địa phương kiến nghị vấn đề đầu tư, phát triển các chợ truyền thống cần phù hợp với thực tế tình hình phát triển của địa phương, đảm bảo hiệu quả hoạt động vì trên thực tế hiện nay nhiều chợ ở nông thôn chỉ họp chợ vào buổi sáng và bị cạnh trạnh bởi nhiều loại hình mua sắm hiện đại như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho hay, trên thực tế tại nhiều địa phương, tình hình phát triển số lượng chợ dự báo đến hết năm 2025 sẽ giảm so với mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân là do tình hình thay đổi loại hình đầu tư như siêu thị, cửa hàng tiện ích phát triển mạnh. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư, chính sách liên quan về quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá đất chợ gặp một số khó khăn, vướng mắc… cần phải khắc phục.