Để nhà báo không "ảo tưởng quyền lực"

Thứ sáu - 30/06/2023 09:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Hiện nay, báo chí đang góp phần đắc lực trong cuộc chiến chống tham nhũng và những vấn đề tiêu cực trong xã hội. Báo chí còn được xem là một trong những “điểm tựa” niềm tin của nhân dân, là sức mạnh to lớn chống lại cái xấu, cái ác. Chính vì vậy, cho đến nay, báo chí vẫn được xã hội ưu ái, xem như “quyền lực thứ tư”.
Nhiều nhà báo đã tận dụng sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, người dân để thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. Tuy nhiên, không ít người làm báo đã ảo tưởng cho rằng “quyền lực thứ tư” chính là sức mạnh cá nhân của mình.
 
 

* Có hiện tượng “báo chí cửa quyền”
Anh Vũ Tuyên, biên tập viên Đài Truyền hình TP.HCM chia sẻ, qua thực tế làm việc và gắn bó với nghề hơn 10 năm, anh đã nhận thấy không ít trường hợp nhà báo “ảo tưởng quyền lực”. Anh Vũ Tuyên phân tích: “Vì nghề báo được nhiều người vị nể nên nhiều người làm báo vin vào đó để mưu cầu lợi ích riêng một cách không chính đáng. Thậm chí, tôi đã từng được một đồng nghiệp chia sẻ về cách bắt lỗi doanh nghiệp khi tác nghiệp để doanh nghiệp phải chi tiền… Những hành động như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính”.

Trao đổi về vấn đề này, nhà báo Đỗ Trung Tiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho rằng, hiện nay có không ít trường hợp người làm báo ảo tưởng về “quyền lực thứ tư” dẫn đến hiện tượng “báo chí cửa quyền”.

Ông phân tích, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ động để người dân nắm bắt và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, phát triển đất nước. Do đó, để hỗ trợ nhà báo hoàn thành nhiệm vụ của báo chí thì các cơ quan chức năng, các đơn vị, tổ chức trong xã hội và người dân thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Nhiều nhà báo đã tranh thủ sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn đọc, bạn xem đài để làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số người làm báo lại lầm tưởng, nghĩ rằng mình đến làm việc thì người ta phải phục vụ cho mình.

Điều này sẽ kéo theo các vấn đề “báo chí cửa quyền”. Nghĩa là cá nhân người làm báo hoặc cơ quan báo chí tự cho rằng “tôi đã nói là đúng”. Thực tế, có nhiều vấn đề, sự việc trong xã hội còn đang tranh luận, chưa đi đến thống nhất nhưng nhà báo đã vội khẳng định, kết luận vấn đề. Khi thông tin sai thì không đính chính hoặc đính chính không nghiêm túc. Kết quả là đã có một số nhà báo, tờ báo bị kiện ra tòa gây mất uy tín cá nhân hoặc mất uy tín của tờ báo.
Các nhà báo trong một lần tác nghiệp.
Các nhà báo trong một lần tác nghiệp.

* Để hạn chế tình trạng “ảo tưởng quyền lực”
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hồ Văn Chừng thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều phóng viên có năng lực viết tốt nhưng đôi khi do ảo tưởng về quyền lực nên thiếu cái tâm để lựa chọn vấn đề hữu ích, phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Một số phóng viên khi đi tác nghiệp còn dọa nạt, hách dịch với cơ sở, thậm chí có người còn đòi hỏi về điều kiện vật chất, ngấm ngầm tống tiền các tổ chức, cá nhân, quên đi trách nhiệm xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình tượng người làm báo chân chính. Đặc biệt, khi viết về những cán bộ nhà nước, những doanh nhân bị mắc sai lầm, vướng rắc rối, một số nhà báo còn thể hiện thái độ gay gắt quá mức, vì họ cho mình có quyền phán xét, buộc tội người khác…”.

Để hạn chế tình trạng “báo chí cửa quyền”, theo nhà báo Đỗ Trung Tiến, trước hết những người làm báo cần xác định rõ bản thân cũng là người lao động như mọi người lao động trong các cơ quan, đơn vị khác. Các cơ quan báo chí cũng cần phải luân chuyển đội ngũ để vừa tạo điều kiện cho phóng viên đa năng, đa lĩnh vực, vừa hạn chế tình trạng “lạm quyền” của nhà báo.

“Nhiều phóng viên nắm mảng lâu năm đã tự cho mình cái quyền độc quyền khai thác thông tin, không cho đồng nghiệp khác xen vào; yêu cầu đơn vị được phân công theo dõi phải có “trách nhiệm” với mình. Tôi cho rằng việc phân công phóng viên nắm lĩnh vực là hợp lý nhưng các cơ quan báo chí cũng cần luân chuyển để có được những phóng viên đa năng, đa lĩnh vực, hạn chế lạm quyền” - nhà báo Đỗ Trung Tiến cho hay.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây