Phát triển đô thị xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ năm - 27/09/2018 22:23
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Cụm đô thị khu vực miền Đông Nam bộ gồm 10 đô thị hội viên, TP. Hồ Chí Minh đang giữ nhiệm vụ cụm trưởng. Với chủ đề: “Xây dựng đô thị xanh gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)”, thời gian qua các đô thị trong vùng đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với các giải pháp ứng phó BĐKH.​

Không nằm ngoài xu thế chung, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa cũng đang nỗ lực trên hành trình xây dựng thành đô thị xanh, thân thiện môi trường. Tại hội nghị giao ban các đô thị trong cụm vừa được tổ chức tại TX. Long Khánh ngày 21-9 vừa qua, nhiều giải pháp phát triển đô thị xanh nhằm ứng phó với BĐKH đã được trao đổi.

Xu hướng phát triển đô thị xanh

Khu vực Đông Nam bộ có tốc độ đô thị hóa vào loại nhanh nhất của cả nước với nhiều thành phố, thị xã đông dân cư. Đặc điểm chung của các đô thị trong vùng là gắn chặt với sự phát triển của trung tâm vùng TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, sức lan tỏa từ phát triển đô thị của TP. Hồ Chí Minh đã có tác động mạnh mẽ tới khu vực. Cùng với sự phát triển của kinh tế, tốc độ đô thị hóa của vùng diễn ra nhanh chóng. Để phát triển bền vững, các đô thị đang phải nỗ lực xây dựng địa phương mình theo định hướng đô thị xanh.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Trần Trọng Tuấn, với vai trò là đô thị hạt nhân trung tâm, những năm qua TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực để đưa thành phố trở thành đô thị phát triển ngày càng bền vững hơn. Về lâu dài, thành phố sẽ tập trung nâng tỷ lệ cây xanh trong khu vực nội thành từ 1m2/người hiện nay lên 2,4m2/người vào năm 2025. Tương tự, với khu vực ngoại thành tăng từ 7m2 lên 12m2/người. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ mới, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính… “Chỉ riêng năm 2018, TP. Hồ Chí Minh sẽ trồng trên 1 triệu cây xanh. Ngoài sự nỗ lực của chính quyền, chúng tôi cũng tích cực vận động người dân trồng cây xanh và thực hiện thí điểm giao người dân tự quản chăm sóc cây xanh tại một số tuyến đường trọng điểm”, ông Tuấn thông tin.

 
Long Khánh trên đường hướng tới đô thị xanh, bền vững (Ảnh: Hoàng Long).

Tương tự, TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) đề ra mục tiêu phát triển theo mô hình đô thị xanh, đô thị sinh thái. Để đạt mục tiêu trên, TP. Bà Rịa đã đầu tư xây dựng công viên trung tâm có diện tích lên tới 44,5 ha với đầy đủ các chức năng như quảng trường, hồ nước, công viên rừng, khu tượng đài…Ngoài công viên trung tâm, TP. Bà Rịa cũng đang xây dựng công viên rừng ngập mặn có diện tích 70 ha ở khu vực phía Nam …Những giải pháp này đưa diện tích cây xanh đầu người của TP. Bà Rịa đạt 17,5m2 so với chuẩn đô thị loại 1 là 15m2/người.

So với các đô thị của vùng, Long Khánh vốn dĩ đã là đô thị khá đặc thù với mảng xanh rộng lớn và những vườn cây trái đặc sản của cả vùng. Chủ tịch UBND TX. Long Khánh Hồ Văn Nam cho hay, mục tiêu đến năm 2020, Long Khánh sẽ phấn đấu được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh. Chính vì vậy, trong những nhiệm vụ đang được tập trung triển khai nhằm đạt chuẩn thành phố, mảng xanh đô thị sẽ là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, thị xã sẽ tập trung mở rộng các công viên cây xanh theo quy hoạch, gắn hướng phát triển du lịch của thị xã theo mô hình sinh thái, văn hóa và nông nghiệp đô thị…

Cải tạo hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu

Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Đối với khu vực Đông Nam bộ, trong đó có các đô thị, mức độ ảnh hưởng có thể còn cao hơn những địa phương khác. Bởi ngoài tác động của BĐKH, sự phát triển “nóng” thời gian qua của nhiều đô thị cũng đang để lại nhiều vấn đề phức tạp không dễ giải quyết trong thời gian ngắn.

Theo nhận định của Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, thách thức lớn của khu vực là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và đang ngày càng quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp, hệ thống giao thông đô thị chậm phát triển. Hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu. Tình trạng ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do rác thải, nước thải chưa được xử lý… “Ngoài những vấn đề từ sự phát triển nội tại, các đô thị cũng đang phải đối mặt với những vấn đề mới nảy sinh do tác động của BĐKH và nước biển dâng... Những thách thức này ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện, môi trường sống của người dân”, ông Tuấn đánh giá.

Để giải quyết những vấn đề trên, TP. Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào công tác chỉnh trang, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, nhằm giải quyết các điểm nóng như ngập nước, kẹt xe của một đô thị lớn nhất nước. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh thực hiện 87 hạng mục công trình cấp bách để chống ngập; đưa vào sử dụng nhiều công trình cầu vượt trong nội ô thành phố, đầu tư Bến xe Miền Đông mới… Bên cạnh đó, chương trình chỉnh trang và sắp xếp lại cuộc sống của người dân ven kênh rạch cũng đang được thực hiện vừa tạo mỹ quan đô thị vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Sau TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa là đô thị lớn thứ 2 khu vực. Với sự nỗ lực của địa phương, thời gian qua TP. Biên Hòa đã hoàn thành nhiều công trình quan trọng để giảm thiểu tai nạn giao thông, ngập nước như xây cầu vượt, hầm chui, các dự án chống ngập…Để tiếp tục chỉnh trang đô thị, TP. Biên Hòa đang tiếp tục kêu gọi đầu tư tuyến đường ven sông Cái, đường trục trung tâm hành chính thành phố, đường ven sông Đồng Nai…Đặc biệt, TP. Biên Hòa đang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1, góp phần giảm thiểu tác động của sản xuất đến môi trường nước sông Đồng Nai. Dự kiến sau khi di dời vào cuối năm 2022, khu vực này sẽ trở thành trung tâm hành chính của tỉnh và khu đô thị dịch vụ, thương mại có tính kết nối vùng.

TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Hồng là hai vùng phát triển đô thị mạnh nhất cả nước. Các đô thị trong vùng Đông Nam bộ sẽ gặp khó khăn hơn các địa phương khác khi tiến hành cải tạo hạ tầng nhằm ứng phó BĐKH, bởi tỷ suất đầu tư sẽ rất lớn. “Với sự nỗ lực từ chính quyền địa phương, Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá cao các đô thị trong khu vực khi thực hiện nhiệm vụ phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường. Sự đầu tư chỉnh trang đô thị về hạ tầng giao thông, thoát nước cũng như thu gom, xử lý rác thải…sẽ giúp cho các đô thị phát triển bền vững và ứng phó tốt hơn với BĐKH”, TS. Nguyễn Thị Kim Sơn đánh giá.

Thí điểm xây dựng 23 đô thị xanh

Theo Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19-1-2018, Việt Nam phấn đấu có 50% đô thị lớn đạt tiêu chuẩn đô thị xanh vào năm 2030. Trước mắt, từ năm 2018 sẽ tiến hành thí điểm tại 23 đô thị trên cả nước với 3 chủ đề lớn và 14 hành động ưu tiên. Ba chủ đề phát triển đô thị bao gồm: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH; lập kế hoạch huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh hằng năm và theo giai đoạn; quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây