Người tích cực nghiên cứu, thúc đẩy Văn hóa điếc tại Đồng Nai

Thứ năm - 27/09/2018 20:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Gần 20 năm đồng hành, gắn bó với người điếc tại Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy Văn hóa điếc (Ðại học Ðồng Nai), GS.TS. James Clyde Woodward đã hỗ trợ rất nhiều người điếc trên cả nước nói chung và Ðồng Nai nói riêng từng bước hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.​

Những lớp học “đặc biệt” của ông rất hiếm khi sử dụng giọng nói, thông điệp giữa người dạy và người học chủ yếu là cử chỉ của đôi bàn tay, thi thoảng kèm theo khẩu hình miệng để minh họa một từ ngữ nào đó khó diễn đạt.

Gần 20 năm gắn bó với người điếc ở Đồng Nai

Trước khi chọn đồng hành cùng người điếc ở Việt Nam, GS.TS. Woodward đã tham gia giảng dạy tại Trường Gallaudet, ngôi trường dành riêng cho người điếc ở Mỹ. Chính sự đồng cảm, tình yêu thương dành cho người điếc ngày một lớn dần đã giúp ông có động lực phát triển Trường Gallaudet thành trường đại học cho người điếc vào năm 1964. Nói về cơ duyên đến Việt Nam, GS.TS. Woodward cho biết, sau 26 năm làm việc tại Mỹ, ông muốn đưa “tri thức” về ngôn ngữ ký hiệu mà mình nghiên cứu và giảng dạy đến nhiều nước trên thế giới. Từ đó, ông bắt đầu những dự án huấn luyện cho người điếc ở Hồng Kông và Thái Lan. “Sau khi giảng dạy ở Hồng Kông và Thái Lan, tôi muốn tìm một nước châu Á khác để tiếp tục công việc. Năm 2000, tôi quyết định đến Việt Nam bởi thời điểm đó, trình độ người điếc ở Việt Nam còn rất thấp, đa số chưa có cơ hội để được học cao hơn như những nước khác. Thêm nữa, việc nghiên cứu liên quan về ngôn ngữ ký hiệu ở Việt Nam thời bấy giờ cũng chưa có, do vậy Việt Nam là quốc gia thích hợp để tôi thực hiện dự án của mình”, GS.TS. Woodward bày tỏ.


 GS.TS. James Clyde Woodward tặng học bổng cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới 2018 - 2019 (Ảnh: NVCC).

Là người Mỹ, vốn ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế nên khi đến Việt Nam và giảng dạy cho người điếc, GS.TS. Woodward cùng học ngôn ngữ của người điếc để giao tiếp trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Ông cho biết, phần lớn thời gian ông dành ở trên lớp, giao tiếp với học sinh điếc qua ngôn ngữ ký hiệu: “Tôi ít khi đi ra ngoài vì tiếng Việt tôi không rành rõ lắm. Mỗi lần đi đâu tôi cũng hành động, cư xử giống như người điếc. Thay vì nói, tôi thường diễn tả bằng điệu bộ để người khác hiểu mình”.

Ðặc biệt, suốt hành trình gần 20 năm gắn bó với người điếc ở Ðồng Nai, GS.TS. Woodward làm việc “không hưởng lương”. Ông cho rằng 20 năm qua, trình độ của người điếc ở Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể và không ngừng nâng cao. Nếu như trước năm 2000, ở Việt Nam chưa có học sinh điếc học lên THCS, thì khi dự án Giáo dục cho người điếc Việt Nam được thành lập, các em đã học lên THPT, cao đẳng. Nhiều học sinh sau khi ra trường đã tìm được công việc ổn định, đóng góp cho xã hội.

GS.TS. Woodward hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc thuộc Ðại học Ðồng Nai. Ngoài dạy ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Anh cho người điếc Việt Nam, ông còn đến nhiều quốc gia; biên soạn và xuất bản bộ sách Ngôn ngữ ký hiệu dành cho cộng đồng người muốn nghe, học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người điếc (bộ sách biên soạn theo Dự án Giáo dục cho người điếc Việt Nam). Bộ sách này đã được nhiều nước như Myanma, Lào, Campuchia… chuyển ngữ và sử dụng làm tài liệu giảng dạy cho người điếc ở quốc gia mình.

Hạnh phúc từ những điều bình dị

Khi được hỏi kỷ niệm đáng nhớ trong suốt 20 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy Văn hóa điếc ở Ðồng Nai, ánh mắt GS.TS. Woodward ánh lên niềm tự hào, tin yêu. Ông chia sẻ, theo năm tháng, các thế hệ học sinh của Trung tâm ra trường, trưởng thành, đó là điều khiến ông hạnh phúc nhất. “Ðó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời tôi”, GS.TS. Woodwar bày tỏ.

Mặc dù nhà ở TP. Hồ Chí Minh nhưng GS.TS. Woodward vẫn đều đặn mỗi ngày về Ðồng Nai giảng dạy, nghiên cứu. Hằng ngày ông vẫn đi đi, về về bằng xe ôm hoặc taxi. “Tôi sống ở Việt Nam đã lâu và không hề cảm thấy bất cứ khó khăn gì. Bởi tôi hiểu điều kiện sống ở những nước đang phát triển và tôi đã chuẩn bị tinh thần nên hòa nhập rất nhanh. Tôi đặc biệt thích văn hóa và các món ăn ở Việt Nam. Các bạn thấy không, tôi càng ngày càng mập vì món ăn Việt Nam rất ngon và hợp khẩu vị của tôi”, GS.TS. Woodward cười chia sẻ.

Có thời gian dài làm việc với GS.TS. Woodward, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc Nguyễn Thị Hòa cho biết: “Tôi đã làm việc với GS.TS. Woodward gần 20 năm, từ những ngày đầu đồng sáng lập dự án cho đến hôm nay. Ở thời điểm khởi đầu có rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng thầy vẫn nhiệt tình, tâm huyết với mong muốn đem hết kiến thức, hiểu biết về ngôn ngữ ký hiệu, văn hóa điếc giúp đỡ cho người điếc ở Việt Nam. Ðặc biệt, thầy làm việc không lương và không đòi hỏi bất cứ điều gì. Bản thân tôi cảm thấy rất nể phục và trân trọng”.

Nói về dự định sắp tới, GS.TS. Woodward cho biết, hiện ông không làm việc toàn thời gian ở Việt Nam như trước đây mà chỉ làm việc 3 - 4 tháng/năm. Thời gian còn lại ông đến những quốc gia khác có nền giáo dục cho người điếc còn hạn chế để hỗ trợ thực hiện những mô hình tương tự như ở Việt Nam. Riêng ở Ðồng Nai, ông cho biết: “Hiện chúng tôi đang xúc tiến với Trường đại học Ðồng Nai xin mở những mã ngành mới về ngôn ngữ ký hiệu, đào tạo những người điếc trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ ký hiệu, đào tạo người nghe trở thành thông dịch viên chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, đề xuất này sẽ sớm thành hiện thực nhằm mang đến cho cộng đồng người điếc cơ hội học tập tốt hơn. Sẽ có nhiều người cùng học ngôn ngữ ký hiệu, cùng tham gia để giúp người điếc hòa nhập với cộng đồng”.

Ly Na

Tác giả: Phạm My Ny

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây