Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những chiến công vang dội được coi là mốc son đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến, thể hiện tầm cao của nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (1968-2018) là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, tiến trình, ý nghĩa lịch sử, giá trị thực tiễn của cuộc tổng tiến công, làm sáng tỏ thêm những giá trị, đúc kết những bài học hữu ích, phát huy tinh thần và sức mạnh của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trên toàn miền Nam có sự đóng góp to lớn của các lực lượng tham gia tổng tiến công và nổi dậy, vai trò của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ trong quá trình chuẩn bị, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tiến công. PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Tham gia Tổng tiến công và nổi dậy bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng với trên 270 ngàn quân. Các lực lượng vũ trang tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ cơ quan, du kích địa phương… Mỗi lực lượng có nhiệm vụ riêng, trong đó phải kể đến chiến công của lực lượng mũi nhọn biệt động tại các đô thị, nhất là Sài Gòn, đã gây bất ngờ, choáng váng và nhiều thiệt hại cho địch. Trong các đợt Tổng tiến công và nổi dậy, hàng vạn quần chúng yêu nước, đủ các tầng lớp ở đô thị và ven đô đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh chính trị, binh vận, diệt ác phá kìm… góp phần vào thắng lợi chung.
Mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giữ một vị trí to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự kiện đã ghi mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc. Theo PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), đây là biểu hiện của sự tập trung ý chí, sức mạnh quật cường của con người, dân tộc Việt Nam và sức sáng tạo, tài mưu lược trong chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng; là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhận định về tầm vóc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, PGS.TS Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử, Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) phân tích: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đòn chính trị và quân sự lớn đánh vào đầu não của cả chế độ chính trị và bộ máy chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chế độ Sài Gòn bị tấn công; hậu phương và hậu cứ chiến tranh của địch bỗng chốc trở thành chiến trường.
Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, một bộ phận lớn sinh lực của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, một khối lượng lớn vật chất phục vụ cho chiến tranh của địch bị thiệt hại. Song điều quan trọng hơn cả là Mỹ bị hạ uy thế lớn cả về quân sự và chính trị. Lực lượng cách mạng đã giáng một đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn ở cả thành thị và nông thôn, một đòn đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ khiến giới lãnh đạo cao cấp Mỹ phải bàng hoàng sửng sốt.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là đỉnh cao, cũng là bước phát triển tất yếu của chiến tranh cách mạng, đã đánh đòn mạnh và đúng lúc vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh và chịu ngồi đàm phán với Việt Nam để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Đây là một thắng lợi to lớn về chính trị, dấu mốc lịch sử có ý nghĩa phân định thắng, thua về chiến lược quân sự trong cuộc chiến tranh; là cuộc võ trang tuyên truyền lớn nhất, sống động nhất khiến quần chúng thành thị hiểu rõ hơn mục đích cách mạng dưới cờ Mặt trận giải phóng.
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc; nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1967, đầu năm 1968, đã biến thành quyết tâm của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng trên cả hai miền Nam, Bắc, thể hiện qua sự chuẩn bị chu đáo về chiến trường, về lực lượng, về hậu cần… cũng như giữ được yếu tố bất ngờ.
Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy cũng để lại nhiều bài học lịch sử quý. Đó là bài học thấu triệt tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bài học về sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo Tổng tiến công và nổi dậy trên những địa bàn cụ thể; bài học về thời cơ, thời điểm phát động Tổng tiến công và nổi dậy, về nghi binh, phân tán lực lượng địch, đánh giá khả năng, sức mạnh của kẻ thù… đã giúp Đảng nhận thức sáng suốt hơn về thực tế chiến trường; đề ra chủ trương thích hợp trong lãnh đạo kháng chiến trong giai đoạn Mậu Thân, nhất là từ giữa năm 1970 trở đi…
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập