Từ giữa tháng Chạp, nhu cầu mua bánh chưng về cúng Tết và làm quà biếu của người tiêu dùng tăng đột biến và đó cũng là mùa sản xuất cao điểm của các cơ sở sản xuất bánh chưng tại phường Hố Nai, TP. Biên Hòa.
Đỏ lửa phục vụ thị trường Tết
Những ngày này, làng bánh chưng ở khu phố 13, phường Hố Nai, các lò bánh đã bắt đầu mùa làm bánh Tết. Theo dự đoán của nhiều lò bánh, sức tiêu thụ của thị trường về mặt hàng này vẫn ổn định như nhiều năm qua. Tuy nhiên, do giá các loại nguyên liệu chính làm bánh như gạo, thịt, đậu... bắt đầu tăng nên giá bán sỉ bánh chưng Tết cũng tăng thêm.
Ở cơ sở sản xuất bánh chưng của bà Nguyễn Thị Hiền, gần 20 nhân công đang tất bật chuẩn bị các công đoạn để gói bánh. Những nhân công này là lao động thời vụ được bà Hiền thuê ở tận Hải Dương vào làm vì nhu cầu của thị trường dịp Tết tăng cao. Theo bà Hiền, để có được những chiếc bánh chưng ngon thì các công đoạn phải được làm kỹ càng, cẩn thận. “Nguyên liệu chính tôi mua loại nếp cái hoa vàng từ miền Bắc nên đạt được độ thơm ngon. Gạo nếp ngâm qua đêm rồi vớt lên để ráo, đậu xanh ngâm qua nước 3 tiếng, sau đó đồ lên và giã nhuyễn, thịt heo thái miếng to bản, đều tay và đem tẩm ướp gia vị trước khi gói”, bà Hiền nói về quy trình.
Hong khô bánh chưng trước khi cho vào hút chân không để bảo quản lâu hơn.
Với người lành nghề, mỗi ngày có thể gói được khoảng 100 bánh. Tuy nhiên dịp cuối năm, lượng khách đặt mua nhiều nên thợ có thể tăng công suất lên gấp đôi. Bánh gói xong phải được nấu bằng bếp củi. Tùy vào loại bánh to hay nhỏ mà đun thời gian khác nhau. Người trong nghề ở đây cho biết, muốn bánh chín đều và ngon thì chỉ có đun bằng bếp củi. Thợ nấu bánh phải là người có kinh nghiệm vì nếu để lửa không đều, bánh sẽ bị chín không đều hoặc bị nhão… Sau khi chín, bánh được ép rút nước, hong khô rồi cho hút chân không trước khi giao khách hàng.“Năm nay chúng tôi dự kiến làm khoảng 5 tấn gạo nếp phục vụ nhu cầu khách dịp Tết. Thời điểm hiện tại, lượng khách đặt hàng chưa nhiều song những ngày tới sẽ cao hơn. Nếu nhu cầu tăng chúng tôi cũng sẽ kịp đáp ứng. Bánh chưng của cơ sở chúng tôi cũng như các gia đình ở đây phần lớn được nhập về các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, một phần vào siêu thị, cũng có một số ít xuất qua nước ngoài phục vụ nhu cầu người Việt Nam định cư tại các nước”, bà Hiền cho hay.
Ở lò bánh chưng của chị Nguyễn Thị Là, mùa làm bánh Tết cũng đang bắt đầu. Vừa chuẩn bị đưa những chiếc bánh thành phẩm hút chân không trước khi giao cho khách hàng, chị Là cho hay, năm nay do giá đầu vào tăng hơn nên cũng gặp đôi chút khó khăn trong sản xuất. “Cơ sở chúng tôi sản xuất bánh chưng đủ kích cỡ theo yêu cầu của khách hàng, từ loại nửa kg đến 1kg, thậm chí có loại trên 10kg một chiếc bánh. Ngày thường các lò bánh chưng vẫn duy trì sản xuất để phục vụ thị trường, dịp Tết nhu cầu nhiều, đơn đặt hàng tăng cao nên phải mướn thêm nhân công”, chị Là cho biết.
Giữ nghề truyền thống
Nghề làm bánh chưng ở khu phố 13, phường Hố Nai đã có tuổi đời hơn 20 năm. Hầu hết những người làm nghề đều quê gốc ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là địa phương có nghề bánh chưng lâu đời và nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng cùng hình thức đẹp mắt. Bên cạnh đó, do có bí quyết riêng nên bánh chưng Nam Sách để được lâu hơn và đó là lý do mà bánh chưng Nam Sách được nhiều người ưa chuộng, chọn mua để cúng Tết hay đãi khách. Khi vào Biên Hòa lập nghiệp, cùng với việc mở ra các làng nghề khác, người dân Hải Dương đã đưa nghề làm bánh chưng Nam Sách vào phường Hố Nai. Hiện tại, khu phố 13, phường Hố Nai có khoảng 20 cơ sở làm nghề bánh chưng theo truyền thống của quê hương. Dịp cận Tết, các cơ sở này nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Một số cơ sở có tiềm lực lớn như Tuấn Ảnh, Đức Thắng… bánh chưng được phân phối rộng trong hệ thống các siêu thị trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. “Toàn khu phố của chúng tôi giờ còn khoảng 20 gia đình làm nghề, công việc này cho thu nhập tương đối khá nhưng làm việc rất vất vả vì thời gian không cố định như làm công nhân nên giờ người trẻ cũng không còn mặn mà như xưa. Như nhà tôi làm bánh được 20 năm, nay các con đều đi học và không theo nghề của bố mẹ, một số gia đình khác may mắn vì có con cái nối nghiệp. Các chủ lò bánh ở đây phần lớn là anh em, làng xóm cùng quê hương nên cũng đỡ đần giúp nhau cố gắng để duy trì nghề”, bà Hiền chia sẻ.
Với chị Là, dù còn trẻ và mới theo nghề được vài năm nhưng cũng làm nghề rất bài bản. Để chuẩn bị cho dịp Tết Mậu Tuất, chị Là đã xây thêm một lò nấu bánh loại lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo chị Là, để có những chiếc bánh chưng chất lượng, ngoài việc gói bánh đẹp mắt còn cần đến bí quyết mang tính gia truyền. “Bà con ở đây luôn đề cao chữ tín trong làm nghề, luôn làm bánh với chất lượng cao nhất. Có như vậy mới hy vọng giữ và phát triển nghề bền chắc trong bối cảnh ngày càng nhiều cạnh tranh như hiện nay”, chị Là chia sẻ.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập